Đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng nhân sự kiện Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023 diễn ra tại Hà Nội.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng |
Thưa ông, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo này?
Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không chỉ đóng vai trò định hướng tổ chức không gian; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các yếu tố, nguồn lực, mà còn tạo ra khung pháp lý để định hướng và hoạch định các chính sách phát triển cho tất cả các ngành, các lĩnh vực của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Quy hoạch lần này đã khái quát hóa như thế nào về các tiềm năng, thế mạnh nổi bật của tỉnh Quảng Bình?
Quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhận diện và khái quát hóa về các tiềm năng, thế mạnh nổi bật của tỉnh.
Thứ nhất, Quảng Bình có lợi thế về địa kinh tế, có kết cấu hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, nhất là hạ tầng kết nối liên vùng. Tỉnh ở vị trí trung độ của cả nước, có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ ra biển của Hành lang kinh tế Đông - Tây, nằm trên các tuyến giao thông trục Bắc - Nam như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh 2 nhánh Đông và Tây, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc và đường ven biển (đang triển khai)…
Với 222 km đường biên giới với nước CHDCND Lào, Quảng Bình có Quốc lộ 12A nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo với Cảng biển Hòn La, Vũng Áng (Hà Tĩnh), là cửa ngõ phía Đông thông ra biển của vùng Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. Tỉnh có bờ biển dài trên 116 km với cảng Hòn La có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp lên đến 50.000 tấn. Tỉnh có Cảng hàng không Đồng Hới là một trong những cảng hàng không có tốc độ tăng trưởng cao về lượng khách phục vụ hàng năm, tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách với các trung tâm đô thị lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Thứ hai, Quảng Bình có những tiềm năng và thế mạnh nổi bật riêng có để phát triển du lịch. Trong đó, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới; được mệnh danh là “Vương quốc hang động” với hàng ngàn hang, động lớn nhỏ lộng lẫy, đặc sắc, kỳ ảo như động Phong Nha, động Thiên Đường, hang Én, hang Tú Làn... Đặc biệt, Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới do Tổ chức Guinness thế giới công nhận; tạo ra tiềm năng rất lớn để phát triển các mô hình du lịch mạo hiểm, thám hiểm, tạo ra một loại hình du lịch đặc trưng riêng cho tỉnh.
Nhắc đến Quảng Bình, nhiều người nói đến một tỉnh có lợi thế lớn về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, tài nguyên rừng, biển?
Đó chính là tiềm năng, thế mạnh nổi bật thứ ba của Quảng Bình mà Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhận diện và khái quát hóa. Với tỷ lệ che phủ rừng trên 68% (đứng thứ 2 toàn quốc), toàn tỉnh có khoảng 120.700 ha rừng trồng là tiềm năng rất lớn để phát triển rừng, trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ công nghiệp sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu. Với hơn 116 km bờ biển và thềm lục địa rộng lớn, đây là nơi hội tụ nguồn tài nguyên thủy, hải sản phong phú, đa dạng, có nhiều loại giá trị kinh tế cao… Ngoài ra, tỉnh cũng có lợi thế về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đá vôi, cát thạch anh, cao lanh, sét gạch ngói... cho phép phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng với quy mô lớn.
Thứ tư, với Khu kinh tế Hòn La (khu kinh tế ven biển) và Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo (khu kinh tế cửa khẩu quốc tế) và hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp đa dạng, Quảng Bình hội đủ các điều kiện cần thiết để đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, xuất khẩu, logistics liên vùng và quốc tế.
Thứ năm, Quảng Bình có cơ cấu dân số trẻ, nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng với tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo lại đạt gần 68%. Trên vùng đất có truyền thống lịch sử, cách mạng, quê hương của các lãnh tụ xuất sắc và danh nhân nổi tiếng như Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên…; người dân Quảng Bình luôn đoàn kết, tương thân, tương ái, yêu quê hương, đất nước, kiên cường, dũng cảm, hiếu học, có ý chí vượt khó, vươn lên.
Đâu là những điểm nhấn chính được tỉnh Quảng Bình hướng đến trong Quy hoạch lần này?
Đó là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động, phát triển khá với nội hàm là phát triển xanh, bền vững, có ngành du lịch dịch vụ phát triển, nâng cao và hướng tới cuộc sống hạnh phúc của nhân dân ở khu vực miền Trung và cả nước.
Tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu Quảng Bình trên bản đồ du lịch quốc tế; coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, đóng vai trò hạt nhân trong thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ chính là phát huy giá trị độc đáo nổi bật toàn cầu của di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, định vị Quảng Bình là điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Ngoài trụ cột về du lịch, tỉnh xác định 3 trụ cột còn lại để phát triển kinh tế là: phát triển công nghiệp là trọng điểm, trong đó chú trọng, khuyến khích kêu gọi phát triển công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh; phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Trong đó, ưu tiên những lĩnh vực, dự án quan trọng tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn: hệ thống giao thông bảo đảm kết nối thông suốt (tập trung hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông trước năm 2025); hạ tầng du lịch; hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền số; các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề trọng điểm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong một số lĩnh vực then chốt như du lịch, công nghiệp.
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38%; 100% đô thị trực thuộc tỉnh đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế trên 75%.
Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân; đặc biệt là các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2030 còn dưới 2,5%.
Chú trọng phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên và giữ vững cân bằng sinh thái, bảo vệ cảnh quan, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; giữ ổn định độ che phủ rừng đến năm 2030 khoảng 68%.