UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, dựa trên Công văn số 7248 ngày 12/10/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, tỉnh Quảng Bình dự kiến giao kế hoạch vốn cho 2 dự án khởi công mới (thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) với tổng số vốn là 150 tỷ đồng.
2 dự án dự kiến được phân bổ gồm Dự án Đầu tư nâng cấp, cải tạo đối với 6 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế huyện tỉnh (120 tỷ đồng) và Dự án Đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 15 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế huyện, tỉnh (30 tỷ đồng).
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, các dự án này đã được HĐND tỉnh Quảng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 83 ngày 9/9/2022.
Để đảm bảo đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2023, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa yêu cầu, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi/ báo cáo kinh tế - kỹ thuật để trình các sở chuyên ngành thẩm định đúng quy định.
Sở Y tế được yêu cầu khi nhận được hồ sơ lấy ý kiến của các đơn vị, trong vòng 5 - 7 ngày làm việc phải có ý kiến bằng văn bản cho chủ đầu tư để chủ đầu tư có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo.
Các Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu thực hiện rà soát, rút ngắn tối thiểu 30% thời gian thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi/ báo cáo kinh tế - kỹ thuật ; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
“UBND tỉnh đã có văn bản cam kết với Trung ương phê duyệt dự án trước ngày 31/12/2022, vì vậy, yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị, chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện, chậm ở thủ tục nào, đơn vị đó chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh”, ông Thắng nhấn mạnh.
Không chỉ 2 dự án mới dự kiến được phân bổ từ ngân sách Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các sở, ngành thực hiện chỉ đạo trên đối với 89 dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2023 từ nguồn ngân sách tỉnh.
Riêng đối với dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình đề cập không thể xem xét để điều chỉnh theo đề xuất của các chủ đầu tư. Lý do là hiện nay, một số chủ đầu tư đã có văn bản đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã điều chỉnh vốn ngân sách Trung ương 2 đợt và ngân sách tỉnh 1 đợt. Tuy nhiên, do đề xuất điều chỉnh giảm vốn nhiều (đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh), nhưng không có dự án đề xuất bổ sung tăng vốn.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Bình nhận thấy, ngoài một số dự án vướng mắc do nguyên nhân khách quan, nhiều dự án chậm thủ tục do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quan, đơn vị liên quan; đơn vị tư vấn yếu dẫn đến hồ sơ điều chỉnh nhiều lần, chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm và chưa lường hết những khó khăn vướng mắc nên xử lý còn lúng túng...
Trước đó, trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến hết ngày 31/10/2022, tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch vốn Chính phủ giao năm 2022 của tỉnh đạt 49,4% (tổng vốn đầu tư công giao là 5.958,44 tỷ đồng); dự kiến đến hết tháng 11 đạt 60%.
Đáng lưu ý, tỉnh Quảng Bình phấn đấu đến hết năm 2022, đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất theo cam kết của tỉnh với Chính phủ và Tổ công tác của Trung ương.