Tại Hội nghị, Sở Du lịch Quảng Bình đã giới thiệu về các tiềm năng lợi thế của địa phương trong việc phát triển du lịch. Theo đó, Quảng Bình có nhiều tiềm năng thế mạnh về du lịch, cả về hệ sinh thái tự nhiên lẫn hệ sinh thái nhân văn.
Đối với hệ sinh thái tự nhiên, Quảng Bình nổi bật với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003 và năm 2015; hệ thống hang động kỳ vỹ phong phú, và được mệnh danh là “vương quốc hang động thế giới” với hơn 300 hang động lớn nhỏ trong đó nhiều hang động mang giá trị nổi bật toàn cầu như Sơn Đoòng, hang Va, hang Én, hang Ke Ry, động Thiên Đường, động Phong Nha....
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh ĐBSCL và ngành du lịch Quảng Bình. |
Bên cạnh đó, Quảng Bình có đường bờ biển dài 116km với nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ, nước trong cát mịn, như: Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú, Đá Nhảy, Hải Ninh…
Về hệ sinh thái nhân văn, Quảng Bình có nhiều địa điểm du lịch tâm linh – văn hóa lịch sử như Chùa Hoằng Phúc, Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh, Lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp...Và nhiều lễ hội đặc sắc khác diễn ra hàng năm.
Từ những tiềm năng và lợi thế đó, với sự quan tâm của Chính phủ, chiến lược phát triển bền vững, phù hợp với thực tiễn của tỉnh và đón đầu xu hướng nhu cầu của thị trường, du lịch Quảng Bình đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, tổng số lượt khách năm 2017 của Quảng Bình đạt 3,3 triệu lượt, doanh thu chuyên ngành du lịch ước đạt 621,37 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2018, Quảng Bình ước đón 1,8 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Đồng thời Quảng Bình được nhận định là một trong những điểm đến đáng trải nghiệm hàng đầu thế giới và là kinh đô du lịch mạo hiểm của Châu Á...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Đông Hà, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho rằng các địa phương An Giang – Cần Thơ – Kiên Giang – Bạc Liêu – Cà Mau – Sóc Trăng – Hậu Giang là các tỉnh cụm phía tây, trung tâm du lịch, kinh tế xã hội của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Dân số của cụm phía tây này hơn 8,2 triệu người; và là khu vực tập trung các điểm du lịch chủ yếu của 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - nơi đón gần 22,5 triệu lượt khách du lịch năm 2017. Các tỉnh này hiện cũng là thị trường khách du lịch lớn của Quảng Bình, chiếm tỷ lệ từ 20% - 30% trong tổng số khách đến du lịch Quảng Bình trong những năm qua.
“ Đây là thị trường khách du lịch lớn và tiềm năng đối với Quảng Bình. Do đó, vấn đề liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Bình và các tỉnh cụm phía tây đồng bằng sông Cửu Long là xu hướng tất yếu và là cơ sở quan trọng để cho các doanh nghiệp Quảng Bình thâm nhập, mở rộng thị trường cũng như cho các tỉnh, thành phố đó với Quảng Bình”, ông Hà chia sẻ.
Ông Phạm Thế Triều, Phó giám đốc Sở VHTTDL An Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá du lịch Quảng Bình và du lịch các tỉnh ĐBSCL có nét rất giống nhau, trước hết đó là sự quan tâm và quyết tâm của lãnh đạo chính quyền trong việc phát triển du lịch. Thứ nữa, du lịch ĐBSCL và du lịch Quảng Bình đi sau rất lâu các trung tâm du lịch lớn của cả nước nhưng hiện nay tốc độ phát triển cũng đang dần bắt kịp.
Ông Triều chia sẻ:“ Du lịch chúng ta có nhiều tiềm năng nhưng chúng ta muốn phát triển thì phải tích cực đi quảng bá, rao bán sản phẩm của mình. Có như vậy người ta mới biết được để mua. Trong năm qua và cả trong năm này, du lịch ĐBSCL cũng đã rất tích cực trong việc thực hiện các chuyến đi quảng bá, giới thiệu. Các chuyến đi này nếu không bổ bề ngang thì cũng sẽ bổ bề dọc.”
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp du lịch của Quảng Bình và các địa phương ĐBSCL đã giới thiệu qua một số sản phẩm du lịch điển hình của mình, đồng thời chia sẻ về khả năng hợp tác xây dựng chuỗi liên kết các sản phẩm du lịch giữa các địa phương nhằm phát huy thế mạnh vùng.
Kết thúc Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình và Sở VHTTDL các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã ký kết Biên bản hợp tác phát triển du lịch, trong đó tập trung phối hợp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của các địa phương, xây dựng các sản phẩm du lịch chung để phát triển thị trường, thu hút khách du lịch.