Trong khuôn khổ Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023 với chủ đề "Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư" sáng nay (25/6) đã diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị nhằm thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình. Theo đó, 2 thỏa thuận hợp tác đã được trao tại buổi lễ là thỏa thuận hợp tác giữa Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình và Sở Du lịch Thành phố Hà Nội, thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Bình và Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội.
2 thỏa thuận hợp tác được trao tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023 nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Đức Thanh) |
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Bình đã đề ra phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh, trong đó, phát triển du lịch Quảng Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với lợi ích cộng đồng và phát triến bền vững. Định vị Quảng Bình là một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Châu Á gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc: du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch hang động, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch thể thao, du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp...
Trình bày tham luận tại Hội nghị, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) Nguyễn Thị Vân nhận định, tỉnh Quảng Bình là địa phương nhiều tiềm năng và giàu tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch mà không nơi đâu có được.
Trong đó, nổi bật là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Ngoài ra, Quảng Bình được mệnh danh là “vương quốc hang động” với 1.000 hang động lớn nhỏ được hình thành cách đây hàng triệu năm, trong đó có khoảng 400 hang đã được đo vẽ. Trong đó năm 2009 hang Sơn Đoòng được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là hang động lớn nhất thế giới…
Ngoài hang động, Quảng Bình còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển với nhiều bãi tắm mịn, đẹp nổi tiếng, như: Đá Nhảy, Nhật Lệ - Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Ninh…, khu sân golf 36 lỗ và các sân golf ven biển đẳng cấp quốc tế đang được đầu tư, khai thác.
Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) Nguyễn Thị Vân (Ảnh: Đức Thanh) |
Tỉnh Quảng Bình có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ thuận lợi, có sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy. Cụ thể, Cửa khẩu quốc tế Cha Lo thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Cha Lo là cửa khẩu lớn giữa Việt Nam và Lào; Cảng biển nước sâu Hòn La (khu kinh tế Hòn La); Sân bay Đồng Hới được đánh giá là một trong những sân bay tăng trưởng nhanh nhất cả nước với mức tăng trưởng 20 - 25%/năm; tuyến đường sắt Bắc - Nam; Quốc lộ 1A Bắc-Nam; Quốc lộ 12A nối phía Đông và phía Tây; đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông và Tây), hội tụ nhiều điều kiện để phát triển du lịch nói riêng và thu hút đầu tư phát triển kinh tế nói chung.
Nhận thấy rõ những tiềm năng của tỉnh Quảng Bình, ngay từ năm 2016, Hanoitourist đã nghiên cứu, triển khai đầu tư khách sạn 5 sao Pullman Quảng Bình tại khu Bảo Ninh, cạnh quảng trường Võ Nguyên Giáp với quy mô 5 ha, 283 phòng, 13 căn villa được đầu tư theo tiêu chuẩn 5 sao mang thương hiệu Pullman do tập đoàn Accor nổi tiếng quản lý.
Bà Nguyễn Thị Vân tin tưởng, với việc đưa vào khai thác khách sạn Pullman trong năm 2024, đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn, là động lực thúc đẩy du lịch tỉnh Quảng Bình phát triển.
Cũng theo bà Vân, tỉnh Quảng Bình hiện có 531 cơ sở lưu trú với tổng số hơn 8.400 phòng, trong đó có 3 khách sạn 5 sao, 6 khách sạn 4 sao. Toàn tỉnh có 33 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lữ hành tuy nhiên các sản phẩm du lịch của tỉnh còn chưa được đa dạng, các chương trình landtour tại địa phương chưa thực hấp dẫn.
Ngoài ra, tính kết nối của các doanh nghiệp lữ hành của địa phương với các thị trường khách nội địa trọng điểm như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chưa cao, và ngay tính kết nối giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ chưa thực sự tốt. Doanh nghiệp vận tải, cơ sở lưu trú, nhà hàng dịch vụ ăn uống, đến các điểm đến thăm quan chưa có sự kết nối chặt chẽ tạo thành chuỗi giá trị.
Do đó, để phát triển du lịch gắn với đúng chủ đề Năm Du lịch quốc gia 2023 là du lịch “xanh”, bà Vân đề nghị xây dựng các chương trình đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân hoạt động trong lĩnh vực du lịch về công tác bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. "Với sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, mảnh đất Quảng Bình với những con người chân chất, hiền hòa, sẽ là nơi du khách chưa đến thì mong đến, đến rồi lại mong quay lại", bà Vân bày tỏ.