Thời sự
Quảng Bình tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Ngọc Tân - 12/03/2020 10:16
Theo thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 18 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao ở các mức độ khác nhau với tổng diện tích khoảng 100 ha.

Theo đó, địa bàn thành phố Đồng Hới 4 cơ sở, huyện Bố Trạch 5 cơ sở, huyện Lệ Thủy 4 cơ sở, huyện Quảng Ninh 1 cơ sở, huyện Quảng Trạch 2 cơ sở, huyện Tuyện Hóa 1 cơ sở và thị xã Ba Đồn 1 cơ sở.

Riêng năm 2019, từ nguồn kinh phí chính sách nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng 6 nhà màng, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước để sản xuất rau quả an toàn. Các cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao cũng áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, thủy canh, trồng trong nhà màng... tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu thụ thuận lợi.

Về lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay toàn tỉnh Quảng Bình có 3 cơ sở chăn nuôi lớn của các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao qua nhiều khâu sản xuất như chăn nuôi trong chuồng có hệ thống làm mát bằng nước, bán tự động về cung cấp thức ăn, nước uống...

Bên cạnh đó, lĩnh vực thủy sản cũng có nhiều cơ sở nuôi trồng áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như nuôi trong nhà kính, không dùng kháng sinh, hóa chất, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường ao nuôi và xử lý nước thải sau sản xuất; xây dựng nhà có mái che để gieo giống tôm giai đoạn nhỏ, sử dụng điện năng tự động...

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có 2 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đó là Công ty Cổ phần Thanh Hương có diện tích mặt nước nuôi 20 ha tại xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) với sản lượng tôm thương phẩm khoảng từ 400 - 500 tấn/năm; Công ty Cổ phần Đức Thắng có diện tích mặt nước nuôi 11,2 ha tại xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) với sản lượng tôm thương phẩm từ 300 - 400 tấn/năm...

Mô hình trồng sâm Bố Chính áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tại Quảng Bình.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đánh giá, mặc dù mới triển khai thực hiện những sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng được với điều kiện Quảng Bình. Tuy nhiên, số cơ sở nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều, lĩnh vực hoạt động còn đơn giản, số lượng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn ít; chưa có các vùng, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung, cơ sở sản xuất phân tán, gây khó khăn cho việc liên kết, đầu tư phát triển quy mô lớn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu, góp phần xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời thực hiện thành công Đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo Phó chủ tịch Trần Tiến Dũng, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động, tích cực triển khai Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chức năng nhiệm vụ được giao. Tập trung nhân lực xây dựng, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với sản xuất sản phẩm theo Đề án OCOP, đẩy mạnh truyền thông quảng bá, giới thiệu, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tin liên quan
Tin khác