Là vùng đất lưu giữ nhiều di tích văn hóa - lịch sử, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, Quảng Bình có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong ảnh: Động Phong Nha, di sản thiên nhiên thế giới, món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng Quảng Bình |
Nơi khởi nguồn
Về mặt địa lý, Quảng Bình là địa bàn nằm ở vị trí eo thắt của cả nước với khoảng cách từ bờ biển đến biên giới Việt - Lào trên đỉnh Trường Sơn chỉ chưa đầy 50 km. Trên địa bàn này chứa đựng một phức hệ sinh thái, mà cố GS. Trần Quốc Vượng đã tổng kết trong “hằng số: Núi - Đồi - Đèo - Biển, Đầm - Phá - Cồn - Bàu...
Quảng Bình nằm ở vị trí trung tâm, trung lộ trên con đường thiên lý Bắc - Nam về mặt địa lý. Nhưng ngược lại, về lịch sử văn hóa, Quảng Bình lại luôn ở vị thế là vùng ngoại vi, biên viễn của các quốc gia, các thế lực cát cứ kéo dài suốt cả hàng ngàn năm lịch sử.
Nằm trên lằn ranh của sự chia cắt, Quảng Bình lại là địa bàn giao thoa, chuyển tiếp các giá trị văn hóa Bắc - Nam và cũng chính là địa bàn bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc lâu đời. Vì thế, nhiều người đã xem diễn trình biến thiên lịch sử văn hóa trên địa bàn Quảng Bình như là “tờ lịch” của dòng chảy văn hóa Việt trên hình hài không gian đất nước hình chữ S.
Tồn tại trong vai trò là địa bàn biên viễn của các triều đại phong kiến Việt Nam, Quảng Bình nhận lãnh trách nhiệm làm “người lính” canh giữ vùng biên ải và cũng từ trọng trách này, mà vùng đất Quảng Bình luôn được xem là trọng trấn của các vương triều. Chính điều đó đã làm cho vùng đất Quảng Bình trở thành mối quan tâm của các thế lực, các tập đoàn phong kiến trong cuộc chiến không ngưng, không nghỉ để xác lập và mở rộng chủ quyền lãnh thổ.
Cục diện chính trị và xu thế phát triển của lịch sử đã dẫn đến các cuộc di dân ồ ạt vào Quảng Bình dưới thời Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc và chúa Nguyễn.
Nhìn trên quan điểm lịch sử, thì quá trình di dân là một bộ phận không thể tách khỏi của chính sách mở cõi, còn nhìn trên quan điểm vận động và phát triển, thì quá trình di dân đã mang đến cho Quảng Bình sự mở mang cả về kinh tế, xã hội và văn hóa, từ đó cùng với diễn trình phát triển của lịch sử là sự xếp lớp các giá trị văn hóa để có bề dày lịch sử hôm nay.
Triều đại nhà Lý đã cắm một mốc vô cùng quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu trong dòng chảy Đại Việt, không chỉ là vấn đề mở rộng địa giới, cương vực vào Quảng Bình, từ đó khởi đầu cho sự nghiệp mở cõi về phương Nam, mà quan trọng hơn vẫn là thành công trong việc đưa văn hóa Việt vào lưu vực sông Nhật Lệ, sông Linh Giang, từ đó làm tiền đề cho sự lan tỏa văn hóa Việt đến tận cùng đất nước.
Vì vậy, học giả Đào Duy Anh đã khẳng định, văn hóa Việt phương Nam hình thành và khởi phát từ lưu vực sông Nhật Lệ của Quảng Bình.
Nếu triều Lý có công đặt sự khởi đầu, khởi động, thì hai triều đại Trần, Lê, sau đó là Hồ, Mạc và Nguyễn là những triều đại đã lan tỏa hình hài làng xóm, định hình hệ thống làng Việt bền vững cho tới ngày nay.
Những tên đất, tên người trong tiến trình lịch sử Quảng Bình gắn với công lao của những nhà khai phá như Trần Bang Cẩn, Hồ Cưởng, Hoàng Hối Khanh và nhiều vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh khác, làm nên những sông, những hồ, những đầm, những phá, những điền trang, thái ấp trù phú với những làng nông, làng nghề như bát danh hương, cùng với các làng danh tiếng như Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Lý Hòa, Cao Lao, Lệ Mỹ, Diêm Điền, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại, Phù Chánh, Hòa Luật, An Xá, Phan Xá, Quảng Cư, Mỹ Lộc… Điều này đã được tiến sỹ Dương Văn An (triều Lê Mạc) mô tả tường tận trong bộ sách địa chí nổi tiếng “Ô châu cận lục” từ thế kỷ XVI.
Các cuộc di cư lớn diễn ra trong thời kỳ phong kiến đã mang đến cho Quảng Bình những anh hùng hào kiệt trong công cuộc giữ gìn biên cương, lãnh thổ và sự nghiệp mở cõi như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Trương Phúc Phấn, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Sỹ, Vũ Xuân Cẩn, Hoàng Kế Viêm và nhiều danh nhân khác...
Khẳng định “chất riêng”
Lịch sử không chỉ có chiều thuận, mà còn có nghịch lý, và nghịch lý ấy tái diễn nhiều nhất trên đất Quảng Bình. Chiến tranh giữa các tập đoàn, các thế lực phong kiến Chăm - Hán, Chăm - Việt, Việt với Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đã lôi kéo cộng đồng cư dân nơi đây vào cuộc binh lửa và để lại không ít hệ lụy.
Nhưng, có lẽ cuộc chiến tàn khốc nhất là cuộc chiến giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn trong gần 1 thế kỷ, không chỉ tàn phá về vật chất, mà còn là nỗi đau tinh thần, khi cũng chính người Quảng Bình, lúc họ là Nam Hà, lúc khác lại phải là Bắc Hà trong cùng một thời đoạn ngắn ngủi của lịch sử, chỉ để thích ứng mà tồn tại.
Nội chiến bao giờ cũng đau thương và trong đau thương ấy, Quảng Bình là một chứng nhân lịch sử khó phai mờ của quá trình đi từ giao thoa đến hội tụ, từ chia cắt đến thống nhất.
Đó là cả một quá trình xung đột rồi tiếp nhận, đan xen rồi hòa hợp các sắc thái văn hóa của Văn Lang/Việt Thường, Đại Việt/Chiêm Thành, Bắc Hà/Nam Hà và cả miền Nam/miền Bắc trong thời hiện đại.
Về văn hóa, thì đó là Đông Sơn/Sa Huỳnh, Việt/Chăm, Đàng Trong/Đàng Ngoài, Thăng Long/ Phú Xuân... Sự gặp gỡ và hội tụ ấy tạo nên sự trao truyền giá trị lịch sử văn hóa thông qua các hình thái tiếp biến, giao thoa và thụ ứng.
Vậy là, qua dòng chảy lịch sử, vùng đất Quảng Bình đã trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm, nhưng cũng từ những thăng trầm của lịch sử, mà nơi đây đã tồn tích các giá trị văn hóa đặc sắc, lâu đời, được trao truyền qua nhiều thế hệ.
Sự hội tụ và giao cắt các yếu tố chính trị, lịch sử, văn hóa khi đi qua miền biên viễn Quảng Bình đã làm nên đặc trưng “đa văn hóa” của chủ nhân vùng đất.
Đó là sự tương hợp giữa 2 lớp văn hóa, lớp nền là văn hóa bản địa và lớp phủ là văn hóa di dân, dần dần bản địa hóa lớp văn hóa di dân thành sắc thái văn hóa Quảng Bình. Do vậy, cộng đồng dân cư ở đây có cơ hội để tích hợp trong tố chất cá nhân và cộng đồng đa nguồn gốc, đa sắc thái văn hóa.
Người bản địa vẫn là cái chất cần cù mà không cam chịu, người di cư mang đến cái chất táo bạo, thoáng đạt và lịch lãm. Sự hòa trộn nhiều thế hệ đã sản sinh ra tố chất cần cù, sáng tạo, cương cường, nhưng cũng rất dung dị, ôn hòa. Đó là đặc điểm thường thấy ở những tổ chức hợp quần.
Đặc biệt, chính sự đa nguồn gốc văn hóa cùng với sự tích hợp các giá trị có được từ tiếp biến, giao thoa và thụ ứng văn hóa 2 miền là cơ sở để xuất hiện nhân kiệt. Nếu nhân kiệt ở vùng văn hóa Hoan - Ái là sản phẩm văn hóa có bề dày thuần nhất, thì nhân kiệt ở vùng văn hóa Nam Hoành Sơn là sản phẩm văn hóa đa sắc thái, hệ quả của sự tái cấu trúc thường xuyên lặp lại. Đó là căn nguyên lý giải vì sao, vùng đất Quảng Bình không mấy giàu có về vật chất, nhưng không thời nào lại không có những anh hùng, hào kiệt.
Tất cả yếu tố về tự nhiên, lịch sử và văn hóa đã kiến tạo, rèn đúc cho chủ nhân của vùng đất - những con người Quảng Bình - đức tính cần cù mà không cam chịu, can trường mà nhân ái trước mọi thử thách.
Thêm vào đó, người Quảng Bình luôn nằm ở lằn ranh của chia cắt trong mọi thời đại, tất yếu họ phải chịu nhiều thiệt thòi của xứ biên viễn, nhưng chính sức ép “biên viễn” đã cho họ sức mạnh, đúng như sử gia nổi tiếng người Anh Arnold J. Toynbee đã nhận định, “những xứ nằm ở vùng biên viễn đều có sinh lực mạnh mẽ”.
“Sinh lực mạnh mẽ” ấy đã bộc lộ trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi với thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Sinh lực ấy cũng nằm ngay trong tố chất quyết liệt và ngoan cường, thông minh và quyết đoán trong những cuộc đụng đầu lịch sử với giặc ngoại xâm và những thế lực đi ngược chiều lịch sử.
Nhân dân Quảng Bình đã đổ mồ hôi, xương máu để xây dựng và bảo vệ quê hương trong suốt cả chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Những thành tựu đạt được là nguồn lực quan trọng để các tầng lớp nhân dân Quảng Bình vững vàng bước vào chặng đường lịch sử mới.
(*) Nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử Quảng Bình