Phát huy phẩm chất kiên cường, mạnh mẽ và tinh thần đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền, quân đội và nhân dân tỉnh Quảng Bình vượt qua khó khăn, thách thức do thiên tai, bão lũ lịch sử trong năm 2020; tiếp tục đổi mới sáng tạo, huy động nguồn lực, từng bước tạo lập nền tảng để phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Xây dựng hạ tầng theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại là một trong 4 khâu đột phá của tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới |
Phát huy nội lực, vượt gian khó, hướng đến mục tiêu mới
Quảng Bình có sự khác biệt so với nhiều địa phương khác trên cả nước khi vừa sát biển, vừa tiếp giáp với nước bạn Lào, tọa lạc trên dải đất hẹp nhất miền Trung, có đầy đủ hình thái của các khu vực đồng bằng, trung du, miền núi. Trong đó, vùng đồng bằng ở 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh vốn được bồi đắp bởi phù sa của sông Kiến Giang và sông Long Đại đã từng được ví với mảnh đất Đồng Nai về sự trù phú, màu mỡ.
Thiên nhiên ưu đãi cho Quảng Bình một hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, phong phú, nhưng cũng mang đến cho Quảng Bình 2 thứ “đặc sản” khắc nghiệt là nắng lắm, mưa nhiều. Bên cạnh mùa hè nắng rát với gió Lào khô khốc, thì hằng năm, cứ mỗi độ Đông sang, những đợt gió mùa Đông Bắc tràn về kết hợp mây hoàn lưu từ rìa cơn bão ở ngoài khơi xa lại mang đến cho Quảng Bình những trận mưa lớn và gây ra lũ lụt. Lũ lụt cứ thế tái diễn như… “một phần cuộc sống” của nhân dân Quảng Bình từ năm này qua năm khác. Tuy vậy, khi lũ lụt đi qua, cũng trả lại cho các cánh đồng những áng phù sa màu mỡ, làm tươi tốt thêm đồng ruộng, cây lúa…
Nhưng, trận lụt lịch sử vào tháng 10/2020 đã khiến một thế hệ người dân Quảng Bình vốn quen sống chung với mưa lũ thay đổi nhận thức. Lũ lụt diễn ra trong nhiều ngày liền (từ tối ngày 16 đến ngày 21/10/2020), gây ngập lụt trên diện rộng ở tỉnh Quảng Bình, cả ở những nơi trước kia chưa từng ngập lụt. Trận lũ lụt lịch sử được đánh giá lớn nhất trong hơn 30 năm qua tại Quảng Bình đã làm ngập hơn 105.000 nhà dân trên toàn địa bàn tỉnh. Trong đó, Quảng Ninh, Lệ Thủy - hai huyện đồng bằng chiêm trũng bị ngập nặng nhất.
Ngay trong thời điểm đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã quyết định tạm hoãn tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (dự kiến diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23/10/2020) để tập trung cho công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng sau khi trực tiếp đi ca nô thị sát các địa điểm bị ngập lụt, chứng kiến hình ảnh đầy khó khăn, vất vả của người dân khi nhà cửa, con người bị cô lập giữa biển nước, đã đích thân kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và chỉ đạo cơ quan chức năng trích xuất kinh phí từ ngân sách để mua các nhu yếu phẩm, lương thực cần thiết hỗ trợ khẩn cấp cho bà con nhân dân.
Tiếp sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng ra quyết định phân bổ 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các huyện, thị xã, thành phố để cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Lũ lụt lịch sử qua đi để lại khung cảnh ngổn ngang cùng những lo âu bộn bề. Tại các bệnh viện, trường học, cơ quan hành chính nhà nước, đường làng, ngõ xóm…, đâu đâu cũng đầy bùn đất, rác thải…
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, một lần nữa, phẩm chất kiên cường, mạnh mẽ, đoàn kết của nhân dân Quảng Bình được phát huy. Cùng với sự hỗ trợ từ nhân dân, các cơ quan, đoàn thể cả nước, chính quyền, quân và dân Quảng Bình đã chung tay khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Hình ảnh lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp về các thôn làng, ngõ xóm gặp gỡ các hộ gia đình để thăm hỏi, động viên bà con nhân dân gặp thiệt hại do lũ lụt đã tiếp thêm niềm tin và nghị lực cho nhân dân địa phương cùng vượt qua. Và chỉ trong vòng 1 tháng, công tác dọn dẹp, khắc phục hậu quả lũ lụt cũng đã cơ bản hoàn thành.
Sau khi nước lũ cơ bản rút, trong ngày 28/10/2020, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chính thức khai mạc. Theo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Đại hội diễn ra trong 1 ngày để tập trung cho công tác lãnh đạo ứng phó với mưa bão đang diễn biến phức tạp.
Trong diễn văn khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, Đại hội được tiến hành trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, khi cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng vẫn đang tiếp tục với cuộc chiến chống đại dịch Covid -19; đồng thời đang phải nỗ lực đối phó và khắc phục hậu quả đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đi.
Với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đặt ra chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; đảm bảo quốc phòng, an ninh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, chủ động hội nhập quốc tế. Phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ”.
Bốn khâu đột phá
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng cho biết, năm 2020 là một năm hết sức khó khăn với kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình cũng như cả nước. Tuy vậy, tổng thể trong giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Bình đã đạt được những thành tựu nổi bật khi kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,13%; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện đáng kể, năm 2020 đạt 47,19 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ…
“Hướng chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Bình đã được định hình rõ, từng bước tạo lập nền tảng quan trọng cho phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Đây là sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh nhà trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức”, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng chia sẻ.
Theo đó, trong giai đoạn mới, Quảng Bình đặt ra 4 khâu đột phá quan trọng, đó là: phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.
“Đối với công tác cải cách hành chính, trọng tâm vẫn là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Quảng Bình sẽ có những định hướng điều chỉnh, thay đổi trong cách tiếp cận, đặc biệt là với doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp và người dân, thay vì là đối tượng quản lý, thì sẽ là đối tượng phục vụ”, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Tạo kênh thông tin để doanh nghiệp trao đổi trực tiếp với lãnh đạo tỉnh
Tỉnh Quảng Bình đã và đang xây dựng lộ trình bao gồm các hoạt động liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; dự thảo các cam kết cụ thể của chính quyền địa phương đối với người dân và doanh nghiệp trong cải cách hành chính, trong tiếp cận điều kiện kinh doanh, tạo sự bình đẳng trong kinh doanh, sản xuất. Quảng Bình cũng tạo ra các kênh thông tin để doanh nghiệp có thể trao đổi trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, đảm bảo mọi yêu cầu chính đáng của các doanh nghiệp và cá nhân đều sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền lắng nghe và giải quyết nhanh chóng nhất.