Trong chiều 21/9, đoàn công tác tỉnh Quảng Bình đã đến thăm và làm việc với Viện nghiên cứu Tsukuba của Tập đoàn lâm nghiệp Sumitomo (Nhật Bản).
Tại buổi gặp gỡ, đại diện Tập đoàn lâm nghiệp Sumitomo bày tỏ mong muốn được hợp tác với Quảng Bình, Việt Nam trong sản xuất điện sinh khối vì tiềm năng về rừng của Việt Nam rất lớn. Bên cạnh đó là các ý tưởng về xây dựng nhà ở thấp tầng với thiết kế giảm gánh nặng cho môi trường và giảm thiểu khí CO2, rác thải.
Đoàn công tác tỉnh Quảng Bình đã đến thăm Viện nghiên cứu Tsukuba của Tập đoàn lâm nghiệp Sumitomo (Nhật Bản). Ảnh: Ngọc Mai |
Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng đã giới thiệu khái quát những tiềm năng thế mạnh của Quảng Bình, đặc biệt là tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 68%, đứng thứ 2 Việt Nam. Bên cạnh những hiệu quả thiết thực, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng cũng nêu rõ những hạn chế về công nghệ phát triển rừng của Quảng Bình, chủ yếu tập trung trồng rừng ngắn ngày, sản phẩm đơn điệu.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết, để nâng cao hiệu quả từ rừng, tỉnh Quảng Bình đang tập trung cải thiện công tác quản lý và bảo vệ rừng với các giải pháp cụ thể như tiếp tục nâng cao tỷ lệ che phủ, trồng rừng gỗ lớn đạt tiêu chuẩn SFC, tham gia thị trường mua bán chứng chỉ carbon theo hướng tạo điều kiện cho người trồng rừng tham gia để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình cũng cho biết, thời gian qua có một số doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản đến Quảng Bình tìm hiểu cơ hội hợp tác trong sản xuất các sản phẩm từ rừng, phát triển điện sinh khối và các nguồn năng lượng tái tái tạo như điện năng lượng mặt trời, điện gió…
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng đánh giá, những nội dung nghiên cứu và hoạt động của Viện nghiên cứu và Tập đoàn lâm nghiệp Sumitomo rất phù hợp với định hướng phát triển của Quảng Bình trong giai đoạn mới.
"Tỉnh mong muốn có cơ hội hợp tác cùng Tập đoàn để nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm từ rừng, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, an ninh năng lượng, hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững", Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình nhấn mạnh.
Đoàn công tác tỉnh Quảng Bình chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ Viện nghiên cứu Tsukuba, Tập đoàn Lâm nghiệp Sumitomo. Ảnh: Ngọc Mai |
Được biết, Viện nghiên cứu Tsukuba của Tập đoàn lâm nghiệp Sumitomo là đơn vị đang tập trung nghiên cứu về các kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu quả trồng rừng, kỹ thuật phủ xanh kiến trúc nhà cao tầng, khai thác gỗ và kiến trúc xây dựng; nghiên cứu các kỹ thuật nâng cao chất lượng nhà ở bằng gỗ, khả năng chống chịu động đất, nhiệt của ngôi nhà. Trên cơ sở đó, Viện sẽ đưa ra những giải pháp bảo đảm hài hòa giữa gỗ, cây xanh và hiệu quả sử dụng nhà gỗ.
Hiện Tập đoàn lâm nghiệp Sumitomo đang thực hiện một số dự án phát triển rừng, gỗ nội thất tại Việt Nam. Với chủ trương phát triển điện sinh khối từ gỗ, tại Nhật Bản, Tập đoàn có 6 cơ sở sản xuất điện sinh khối. Về rừng, hiện Tập đoàn quản lý trên 230 ha rừng tại các quốc gia khu vực Đông Nam á, mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng lên khoảng 500 ha, trong đó Việt Nam là một trong những điểm phát triển phù hợp.
Trước đó, trong ngày 20/9, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng và đoàn công tác tỉnh Quảng Bình cũng đã đi thăm một số cơ sở sản xuất và nhà máy của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yamanashi. Tại địa phương này, đoàn công đã đến thăm Công ty TNHH Budo Batake, doanh nghiệp trồng nho và Nhà máy tái chế rác thải Fuefuki nhằm bàn bạc các nội dung hợp tác trong thời gian tới.
Đoàn công tác tỉnh Quảng Bình thăm Nhà máy tái chế rác thải Fuefuki. Ảnh: Ngọc Mai |
Cũng trong ngày 20/9, một số sở, ngành và doanh nghiệp của tỉnh Quảng Bình tham gia đoàn công tác đã làm việc với ông Yamada Ikko, Nghị viên tỉnh Yamanashi và các doanh nghiệp tỉnh Yamanashi về hợp tác trên lĩnh vực lao động, việc làm.
Qua trao đổi, đại diện tỉnh Yamanashi cho biết đang có nhu cầu thu hút khoảng 5.000 lao động làm việc tại tỉnh. Do vậy, phía Yamanashi đề nghị tỉnh Quảng Bình xem xét, lựa chọn thí điểm một số lao động trong các lĩnh vực để hai bên cùng thống nhất các yêu cầu, thực hiện các thủ tục liên quan nhằm bảo đảm đẩy nhanh quá trình kết nối trực tiếp giữa hai địa phương trong cung cấp và tuyển dụng lao động, bảo đảm lợi ích cho các bên và người lao động.
Tại buổi làm việc, hai bên thống nhất cao với những nội dung trao đổi và dự kiến đầu năm 2024, những lao động đầu tiên được tuyển dụng thông qua sự phối hợp giữa hai tỉnh sẽ đến Yamanashi.
Hai địa phương cũng sẽ hoàn thiện các thủ tục ký kết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp, tuyển dụng lao động nói riêng, hoạt động hợp tác giữa hai tỉnh nói chung.