Viễn thông - Công nghệ
Quảng cáo xấu độc trên nền tảng xuyên biên giới hết đất tung hoành
Tú Ân - 11/05/2023 08:34
Việc xử phạt hơn 20 doanh nghiệp quảng cáo trên nội dung xấu độc là lời cảnh báo cho các nền tảng xuyên biên giới đang dung dưỡng quảng cáo xấu độc hết đất tung hoành.

Hơn 20 doanh nghiệp quảng cáo bị xử phạt

Công ty TNHH Truyền thông WPP quản lý ngân sách hàng trăm triệu USD quảng cáo của các nhãn hàng lớn như Coca-Cola, Xiaomi, Unilever... Tuy nhiên, các quảng cáo nhãn hàng lớn do WPP quản lý lại đổ vào kênh Facebook có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

WPP đã đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty FrieslandCampina Việt Nam vào trang Facebook có nội dung vi phạm pháp luật, được quy định tại khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng đối với WPP, buộc phải gỡ toàn bộ quảng cáo trên các trang Facebook có nội dung vi phạm.

Trước đó, Công ty TNHH Truyền thông MMS Việt Nam cũng đã bị Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng. Theo đó, MMS đã có hành vi phạm là đặt sản phẩm quảng cáo của các nhãn hàng L’Oréal, Mirinda và Boss Coffee vào các kênh mạng xã hội có nội dung vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng…

WPP và MMS là 2 doanh nghiệp trong hơn 20 doanh nghiệp đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm tại Việt Nam.

Trong một động thái mới nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành kiểm tra một ông lớn xuyên biên giới tại Việt Nam. 

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong thời gian qua, quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, bộc lộ nhiều nguy cơ, rủi ro khi người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không thể đảm bảo quản lý tốt vị trí hiển thị quảng cáo; để cho quảng cáo cài đặt vào các nội dung phản cảm, thậm chí là xấu độc; vi phạm nghiêm trọng khoản 1, Điều, 1 Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; Vi phạm nghiêm trọng theo khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng.

Siết chặt quảng cáo trên mạng Internet

Theo quy định, các nhãn hàng, đại lý quảng cáo không được quảng cáo trên các nền tảng vi phạm pháp luật mà Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, các ngân hàng, trung gian thanh toán không được hợp tác, hỗ trợ thanh toán.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, việc xử phạt WPP, MMS Việt Nam đã truyền tới doanh nghiệp quảng cáo, các nhãn hàng tại Việt Nam thông điệp về chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền trong việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên không gian mạng.

“Chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý để xử lý các công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo, cung cấp dịch vụ quảng cáo có sai phạm. Những công ty này dù to hay nhỏ, dù đặt trụ sở ở trong nước hay không đặt trụ sở tại Việt Nam, nếu vi phạm pháp luật Việt Nam thì chúng ta đều xử lý được”, ông Lê Quang Tự Do khẳng định.

Cùng với những động thái chấn chỉnh các đơn vị có hành vi quảng cáo sai phạm, thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai những giải pháp nhằm hướng lái dòng tiền quảng cáo của các doanh nghiệp trong nước đến những nơi có nội dung sạch, những nền tảng sạch. Việc xây dựng và công bố danh sách nội dung “đã được xác thực” và nội dung “đen” của Việt Nam là một trong những giải pháp mới của Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên Internet. 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, việc xử phạt WPP, MMS đã khẳng định rằng, các nền tảng xuyên biên giới dù không đặt trụ sở tại Việt Nam, nếu vi phạm đều bị xử lý.

“Chúng ta phải nắn dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng về những kênh nội dung được xác thực. Điều này có lợi cho các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước. Hiện nhiều doanh nghiệp lớn đã lên kế hoạch, lập danh sách và tham khảo Bộ Thông tin và Truyền thông các “kênh” xác thực để tự ngăn chặn vi phạm về quảng cáo”, ông Lâm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho hay, với các nền tảng xuyên biên giới chưa có pháp nhân tại Việt Nam, cơ sở pháp lý còn thiếu đồng bộ để xử lý. Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu và sẽ tham mưu Chính phủ hoàn thiện quy định.

Gần đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP quản lý và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, quy định chế tài xử lý các OTT, các nhà cung cấp xuyên biên giới về phát thanh, truyền hình không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài không tuân thủ Nghị định số 70/2021/NĐ-QĐ sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn; xác minh và xử lý nghiêm sai phạm của doanh nghiệp không đặt máy chủ tại Việt Nam. Đây sẽ là một trong những cơ sở để tiến hành quản lý, xử phạt các nền tảng xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề xuất, ngoài việc cập nhật liên tục danh sách “đã được xác thực”, Bộ Thông tin và Truyền thông cần bổ sung quy định siết quảng cáo kèm với các biện pháp chế tài nghiêm khắc.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ riêng hai mạng lưới quảng cáo của Google và Facebook đã chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Đáng chú ý, dù hai hãng công nghệ ngoại này đều chưa có pháp nhân tại Việt Nam, nhưng có đến 70% khách hàng tại Việt Nam ký hợp đồng mua dịch vụ quảng cáo trực tiếp với Facebook, tức là không thông qua đại lý. Trong khi tỷ lệ này với Google là hơn 50%.
Tin liên quan
Tin khác