Viễn thông - Công nghệ
Sẽ có “danh sách đen” các kênh quảng cáo xấu độc
Tú Ân - 04/12/2022 10:55
Những doanh nghiệp quảng cáo, kênh quảng cáo, KLOS “hot” có nội dung xấu độc, nhảm nhí sẽ bị đưa vào danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo vi phạm (black list) và chuyển tới nhãn hiệu lớn…

Tràn lan quảng cáo trên nội dung xấu độc

Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều 30/11, trường hợp tài khoản Nờ Ô Nô (Phạm Đức Tuấn) được nhắc đến hơn chục lần với “vai diễn phản diện”. Nờ Ô Nô có 1 triệu người theo dõi, nhận tiền quảng cáo từ các nhãn hàng, thương hiệu, nhưng vừa bị người xem tẩy chay, khóa tài khoản, xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, 3 tháng gần đây, đơn vị này đã xử phạt 15 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 210 triệu đồng; kiểm tra 6 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, công bố 73 trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Quảng cáo, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã phát hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam, không thông báo hoặc thông báo thông tin không đầy đủ tới cơ quan chức năng.

“Facebook, Google… cho người sử dụng đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật kiếm tiền, cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh/tài khoản đó. Cơ chế quản lý nội dung, bật kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc đảm bảo an toàn cho thương hiệu quảng cáo…”, ông Tự Do cho biết.

Trong khi đó, các đại lý quảng cáo chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan trên các trang thông tin điện tử (website, kênh, tài khoản cá nhân) vi phạm, kém chất lượng. Các đại lý không sử dụng hoặc không cập nhật thường xuyên danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo vi phạm (black list)…

Giải pháp ngăn chặn quảng cáo xấu độc

Tại hội nghị trên, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã đưa ra hàng loạt giải pháp chấn chỉnh, ngăn chặn và loại bỏ quảng cáo xấu độc. Một trong số đó là công bố công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm vi phạm và khuyến cáo không hợp tác với các đối tượng đó. Black list sẽ thường xuyên được cập nhật để đưa vào danh sách chặn. Cùng với đó, Cục sẽ xây dựng white list (danh sách trắng) để các đại lý, nhãn hàng ưu tiên quảng cáo.

Ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc VieON cho rằng, mỗi ngày có một lượng nội dung khổng lồ được đưa lên mạng xã hội. Các tài khoản, kênh thông tin chạy đua giật tít, câu view, tung tin thất thiệt để hút quảng cáo kiếm tiền.

“Hiện có khoảng 9,5% nhãn hàng bị đặt vào nội dung không an toàn. Các nhãn hàng sẽ đối diện với việc bị tẩy chay như tài khoản Nờ Ô Nô mới đây. Vấn đề là các nhãn hàng lớn, đại lý lớn tuân thủ, nhưng các nhà quảng cáo nhỏ và tài khoản cá nhân thì bất chấp để kiếm lợi nhuận”, ông Long chia sẻ.

Theo đại diện Vinamilk, doanh nghiệp này đã có quy trình lựa chọn các nội dung sạch để đưa quảng cáo vào. Đồng thời, sử dụng bộ từ khóa cùng với hệ thống công nghệ Mỹ để lọc nội dung xấu độc. “Chúng tôi kiên quyết không quảng cáo trên các kênh, nội dung xấu độc”, vị đại diện này cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng giám đốc Tiktok Việt Nam cho biết, thường thì các nhãn hàng lớn làm rất tốt, nhãn hàng nhỏ thì khó hơn. Tiktok sẽ kiểm tra rất kỹ các KLOS. “Vấn đề quảng cáo có đúng luật không? Nội dung nào được xem là xấu độc… cần phải kiểm soát chặt. Ngay cả Tiktok thời gian qua cũng tạm dừng các nội dung quảng cáo quá sự thật, quảng cáo “hàng tốt nhất” cũng bị dừng”, ông Lâm Thanh cho hay.

Theo khuyến nghị của ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCcorp, hiện chưa có nhiều nhãn hàng lớn quan tâm đến vấn đề này. Giải pháp tốt nhất là các doanh nghiệp quảng cáo và nhãn hàng xây dựng tiêu chuẩn, bộ tiêu chí của nhãn hàng để làm quảng cáo. Tùy từng nhãn hàng có các tiêu chuẩn khác nhau, nếu xây dựng, sẽ vừa giải quyết được câu chuyện đảm bảo an toàn và hiệu quả tiếp cận người dùng.

“Black list hay white list giải quyết được vấn đề nhanh, lập tức. Nhưng danh sách đó hôm nay là trắng, mai có thể chuyển thành đen và ngược lại. Nếu kết hợp với việc giám sát chặt chẽ, sẽ mang lại hiệu quả. Cơ bản là công cụ kiểm soát tốt lên sẽ giảm vi phạm, nhưng cần có thời gian để các nhãn hàng lớn tuân thủ”, ông Tân đề nghị.

Tin liên quan
Tin khác