Thời sự
Quảng Nam: Bàn giải pháp phục hồi nghề ươm tơ dệt lụa
Hoàng Anh - 25/01/2018 11:47
Ngày 25-1, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Nghề truyền thống dâu tằm tơ lụa, thổ cẩm Quảng Nam – Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững”. Làm thế nào để phục hồi nghề truyền thống ươm tơ dệt lùa là nỗi trăn trở lớn của tỉnh Quảng Nam.

Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là nghề truyền thống có từ lâu đời ở tỉnh Quảng Nam, giải quyết công ăn việc làm và mang lại thu nhập đáng kể cho hàng ngàn hộ dân.

Ở vùng đất xứ Quảng này từng tồn tại nhiều làng tơ lụa nổi tiếng khắp cả nước. Như làng tơ lụa Mã Châu hình thành từ thế kỷ 16, chuyên cung cấp lụa cho triều đình.  Lúc hưng thịnh, làng tơ lụa Mã Châu (huyện Duy Xuyên) có đến hơn 2.000 ha trồng dâu nuôi tằm.  Tuy nhiên hiện làng tơ lụa Mã Châu còn rất hiếm người dân dệt lụa và trồng dâu. Hay làng tơ lụa Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) nổi tiếng không kém nhưng cũng đang chung số phận, từ chỗ gần 200 hộ nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa nay chỉ còn lác đác ở vài nhà...

Những làng nghề trên là thực trạng chung của nghề truyền thống ươm tơ, dệt lụa một thời hưng thịnh ở Quảng Nam.

Những sản phẩm tơ lụa được trưng bày và giới thiệu với du khách tại Làng lụa Hội An.

Theo thống kê của Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn khoảng 11ha dâu, chủ yếu tập trung ở một số xã của huyện Duy Xuyên. Các hộ trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là nuôi để bán thực phẩm vì thời gian chăm sóc ngắn hơn, không tốn quá nhiều công sức, thị trường tiêu thụ, giá bán cũng tương đối ổn định

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân chính khiến nghề ươm tơ, dệt lụa ở Quảng Nam mai mọt là do nghề trồng dâu, nuôi tằm không mang lại thu nhập tương xứng, nên người nông dân chuyển sang trồng loại cây khác. Các doanh nghiệp dệt gặp rất nhiều khó khăn do tiêu thụ hàng hóa chậm, một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất. Ngoài ra, tơ lụa chất lượng không cao nhưng giá rẻ của Trung Quốc đã tràn vào khu vực các tỉnh phía Bắc, gây áp lực lớn cho nghề trồng dâu nuôi tằm ở nước ta.

Du khách nước ngoài thích thú khi thực hiện những công đoạn dệt lụa ở Hội An.

Ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Quang Nam cho rằng, để khôi phục và phát triển nghề dâu tằm, tơ lụa  thì yếu tố quyết định là phải tạo sự ổn định về đầu ra của sản phẩm; nghề trồng dâu, nuôi tằm phải có lãi hơn so với các cây trồng khác. Đồng thời đẩy mạnh kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, kết nối với hộ nông dân để phát triển vùng nguyên liệu dâu, kết hợp với phục vụ du lịch. “Thị trường thế giới hiện vẫn thiếu đến 40% nhu cầu về lụa tơ tằm, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong ngành này. Trong đó Quảng Nam với tiềm năng, lợi thế sẵn có, nếu được quan tâm đầu tư và có  giải pháp khả thi thì nghề trồng dâu, nuôi tằm sẽ được khôi phục”, ông Muộn nói.

Hội thảo “Nghề truyền thống dâu tăm tơ lụa, thổ cẩm Quảng Nam – Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững” được tỉnh Quảng Nam tổ chức nhằm tìm giải pháp khôi phục nghề truyền thống này.

Ông Lê Trí Thanh- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh sẽ quyết tâm khôi phục nghề truyền thống ươm tơ, dệt lụa. “Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam đã có một thời hưng thịnh, tuy nhiên dần dần đi vào tàn phai, để lại những tiếc nuối rất lớn không chỉ đối với người dân Quảng Nam, mà còn của cả nước. Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều nhà đầu tư đến kinh doanh, sản xuất các mặt hàng tơ lụa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đây là tín hiệu rất khả quan cho nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Chúng ta hoàn toàn có khả năng phục hồi trở lại nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt thổ cẩm, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng những giải pháp lâu dài để phục hồi nghề truyền thống này”, ông Thanh khẳng định. 

Tin liên quan
Tin khác