Đầu tư
Quảng Nam: Cơ đồ trăm năm vùng đất mở
Hoàng Anh - 03/02/2022 09:37
Vùng đất xứ Quảng đã trải qua lịch sử hơn 550 năm, đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước. Phát huy truyền thống, ngày nay, Quảng Nam đang vươn lên mạnh mẽ.

Vùng đất yết hầu

Thừa tuyên xưa kéo dài từ đèo Hải Vân tới đèo Cù Mông, có vị trí chiến lược quan trọng, vua Lê Thánh Tông từng đánh giá: “Cả mối cơ đồ một cõi chung/Về Nam địa giới Hải Vân giăng”. Còn chúa Nguyễn Hoàng (vị chúa Nguyễn đầu tiên) cũng nhận định, đây là “vùng đất yết hầu của miền Thuận Quảng” để mở mang cơ nghiệp.

PGS-TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, tên gọi Quảng Nam đã hàm chứa tầm nhìn sâu rộng của tiền nhân về khát vọng mở rộng đất nước về phương Nam. Kể từ đó đến nay, trong suốt 550 năm, con người và vùng đất Quảng Nam luôn hiện diện ở vị trí trang trọng trong những trang sử vàng của dân tộc.

Vùng đất này phát triển phồn thịnh dưới thời các chúa Nguyễn, với Dinh trấn Thanh Chiêm từng là căn cứ thủy quân hùng mạnh, nơi hình thành và phổ biến chữ Quốc ngữ sớm nhất ở Việt Nam. Thương cảng Hội An phát triển mạnh mẽ, khi các chúa Nguyễn đã kiến thiết nơi này trở thành một cảng thị chứ không phải là một đô thị với thành quách kiên cố. 

Quảng Nam phải kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Tại Lễ kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471-2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải có chiến lược đưa danh xưng Quảng Nam trở thành thương hiệu thu hút nhà đầu tư. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Quảng Nam cần phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng, lợi thế hiếm có của một tỉnh nằm ở trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ, trong đó tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, nhằm kiến tạo động lực tăng trưởng mới cho tỉnh, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Bên cạnh đó, cần cải thiện môi trường đầu tư theo chuẩn quốc tế nhằm thu hút FDI có chất lượng, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân, hỗ trợ kinh tế hợp tác cùng phát triển; đầu tư và phát huy vốn con người, tăng cường chi tiêu cho khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, khơi dậy khát vọng hùng cường…

Quảng Nam đóng vai trò là một trung tâm kinh tế xứ Đàng Trong và Hội An là hạt nhân của trung tâm kinh tế ấy với nhiều đặc quyền, như được tạo điều kiện để giao lưu với thương nhân nước ngoài. Sự xuất hiện và sinh sống của các thương nhân ngoại quốc đã đưa thương cảng Hội An vào mạng lưới thương điếm mang tính chất quốc tế đầu tiên của thời cận đại cùng với Goa (Ấn Độ), Malacca (Malaysia), Luzon (Philippines), Ma Cao, Hạ Môn (Trung Quốc), Deshima (Nhật Bản)…, tạo nên một tuyến hải thương nội Á vô cùng nhộn nhịp vào thế kỷ 17, 18. Trong thời kỳ vàng son đó, Hội An là một điểm đến không thể thiếu trên hành trình của “con đường gốm sứ”, “con đường hương liệu” trên biển.

Đầu thế kỷ XX, Quảng Nam nổi lên như là cái nôi của phong trào Duy Tân với tên tuổi lẫy lừng của tam kiệt: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, những chí sĩ yêu nước, sớm khai mở tư tưởng canh tân, mở cửa, hội nhập và hiện đại hóa đất nước. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, con người và mảnh đất Quảng Nam luôn kiên cường, bất khất, ghi dấu trong các trang sử của dân tộc.

“Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những thời điểm khó khăn thử thách nhất, Người luôn có sự đồng hành ủng hộ của con người Quảng Nam. Đó là cụ Phan Châu Trinh - người đã chu cấp và hỗ trợ Nguyễn Tất Thành trong những ngày đầu tiên đến sống ở Paris (Pháp); đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng - người được Hồ Chí Minh trân trọng mời tham gia Chính phủ Liên hiệp, tin tưởng giao nhiệm vụ điều hành đất nước trong những thời khắc vận mệnh quốc gia ngàn cân treo sợi tóc vào năm 1946. Bản thân những chí sĩ Quảng Nam đã nhìn thấy những phẩm chất cao đẹp của Hồ Chí Minh và đặt trọn niềm tin yêu vào Người. Đến nay, Quảng Nam đang có những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ, quy mô nền kinh tế đứng thứ hai trong Vùng trọng điểm miền Trung. Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng đất và con người Quảng Nam đã có những đóng góp quan trọng cho đất nước”, PGS-TS. Bùi Nhật Quang khẳng định.

Khát vọng phát triển

Tỉnh Quảng Nam ngày nay được vinh dự kế thừa tên của Thừa tuyên Quảng Nam khi xưa. Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, văn hóa xứ Quảng là sự kết tinh của những phẩm chất đẹp đẽ, tinh hoa, sự kiên cường, dũng cảm, sáng tạo trong đấu tranh, trong gìn giữ bờ cõi. “Bấy nhiêu điều cao quý, tốt đẹp đó hội tụ vào hai chữ Quảng và Nam - khiến Quảng Nam có một vị thế rất đặc biệt. Do đó, người ta có quyền hy vọng, kỳ vọng về vai trò, về vị thế, đóng góp của Quảng Nam đối với khát vọng phát triển của đất nước”, GS. Lê Văn Lan nhận xét.

Sau 25 năm tách tỉnh (tháng 1/1997), Quảng Nam đã vươn mình trở thành điểm sáng của khu vực miền Trung. Giai đoạn 2001 - 2010, chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Quảng Nam, GRDP trung bình giai đoạn này tăng 11,6%/năm. Từ một tỉnh thuần nông, Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương.

Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao trong nhiều năm liên tục. Hàng loạt “sếu đầu đàn” đã chọn Quảng Nam để làm tổ. Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục là điểm sáng, duy trì vai trò đầu tàu trong tăng trưởng. Thaco Trường Hải đóng góp lớn vào ngân sách, tạo nhiều việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa không chỉ đối với Quảng Nam, mà còn với cả nước và đang hướng ra cạnh tranh toàn cầu.

Xưa kia nhắc đến Hội An là thương cảng sầm uất của thế giới, thì bây giờ, Hội An trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các dự án du lịch đẳng cấp, đưa Quảng Nam trở thành địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Đến nay, trên địa bàn Quảng Nam có 193 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 5,8 tỷ USD. Vốn đầu tư trong nước là 236.022 tỷ đồng với 914 dự án. Riêng Khu kinh tế mở Chu Lai có 173 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 120.000 tỷ đồng.

Trong năm 2021, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Nam vẫn đạt 5,04%, quy mô kinh tế của tỉnh là hơn 102.600 tỷ đồng, đứng thứ hai trong 5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và xếp thứ tư trong 14 tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 1997 - 2021 của Quảng Nam đạt 9,2%/năm…

Trong chặng đường 25 năm kể từ khi tái lập tỉnh, Quảng Nam đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định vị thế mới trong bản đồ phát triển của cả nước. Dẫu vậy, sự phát triển ấy vẫn chưa thỏa khát vọng của vùng đất có nhiều tiềm năng, nên tỉnh đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Để đạt được điều này, Quảng Nam sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể biến giấc mơ thành hiện thực.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Nam cần phát huy tối đa các thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; trong đó chú ý phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng, dẫn dắt các lĩnh vực khác. Đặc biệt, trong lĩnh vực thu hút đầu tư, cần xây dựng và tích cực thu hút sếu đầu đàn.

“Chính quyền phải làm bà đỡ cho doanh nghiệp, tiếp tục thu hút những con sếu đầu đàn trong từng lĩnh vực để cộng sinh, liên kết phát triển công, nông nghiệp... Nếu có chiến lược tăng trưởng cùng chính sách điều tiết tốt, Quảng Nam sẽ tạo được sự phát triển bền vững”, ông Trần Du Lịch khẳng định.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, tỉnh đang tập trung thúc đẩy 3 lĩnh vực đột phá về hoàn thiện hạ tầng, khoa học - cộng nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Quảng Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu. Đầu tư hạ tầng kết nối để tạo nguồn thu, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

“Với sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình, Quảng Nam luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhìn lại chặng đường lịch sử 550 năm hình thành và phát triển, trong sâu thẳm mỗi người dân đất Quảng luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất Quảng Nam tươi đẹp như ngày nay, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, ông Lê Trí Thanh nói.

Tin liên quan
Tin khác