Quảng Nam sẽ trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa các giá trị của di sản. |
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh khai thác không gian thiên nhiên - văn hóa trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hoá thế giới Hội An, Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, tài nguyên biển, đảo, sông, hồ, núi rừng, các di tích lịch sử, văn hóa và đặc trưng con người Xứ Quảng; trọng tâm là phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao, sự kiện, hội nghị, chăm sóc sức khỏe...
Để thực hiện được mục tiêu trên, quy hoạch tỉnh cũng đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể.
Quảng Nam sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, học tập để các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và hóa sâu sắc; có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế tỉnh, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường. Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Quảng Nam.
Về cơ chế chính sách tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi và tạo thuận lợi nhất về giải phóng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi dài hạn... để thu hút đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng hiện đại với hàm lượng công nghệ cao và “xanh”.
Tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo du lịch, hướng tới việc áp dụng các tiêu chuẩn năng lực nghề du lịch quốc gia và trong khu vực, đảm bảo yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ lao động du lịch.
Bên cạnh đó, sẽ lồng ghép các phương án phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả và thuận lợi trong đầu tư. Trên cơ sở những định hướng phát triển du lịch, đẩy mạnh lập quy hoạch chi tiết các khu du lịch trọng điểm và các điểm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù làm căn cứ thực hiện đầu tư và phát triển du lịch bền vững.
Đặc biệt sẽ tăng cường ngân sách để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt là hạ tầng kết nối khu, điểm du lịch, kết nối tỉnh Quảng Nam với các địa phương phụ cận, đặc biệt với các trung tâm du lịch là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ; đầu tư cho bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, các thiết chế văn hóa, các điểm cảnh quan thiên nhiên; đầu tư cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch và bảo vệ môi trường du lịch.
Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trên cơ sở hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư và tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động đầu tư. Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút và có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tăng cường năng lực cho Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam về cơ sở vật chất kỹ thuật, về đội ngũ và ngân sách hoạt động hoặc theo hướng thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trực thuộc tỉnh. Xây dựng chiến lược xúc tiến quảng bá với trọng tâm là du lịch chất lượng cao dựa trên những giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và lòng hiếu khách của người Quảng Nam.
Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thiết giảm, tái sử dụng, tái chế chất thải từ hoạt động du lịch. Thay đổi phương thức sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước của khách tại các khách sạn.
Khuyến khích liên kết giữa các địa phương trong cùng một địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh để tổ chức đánh giá, phát huy lợi thế tài nguyên; tổ chức xây dựng và thực hiện quy hoạch, phát triển sản phẩm, kết nối tour tuyến du lịch, xúc tiến quảng bá đầu tư du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch phù hợp với định hướng chung phát triển du lịch Quảng Nam.
Hợp tác với các cơ quan ban ngành của Trung ương và liên kết các tỉnh phụ cận trong lĩnh vực quy hoạch thiết kế và xúc tiến đầu tư xây dựng mới và nâng cấp mở rộng mạng lưới đường bộ liên vùng, cầu, bãi đỗ xe và trạm nghỉ dừng chân, các đường tỉnh lộ kết nối Tam Kỳ, Hội An với các địa phương cấp huyện, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm để phát triển hệ thống sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.