Tại buổi làm việc sáng 4/4, ông Nguyễn Hồng Quang (giữa) - CVP UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định có hiện tượng vận chuyển cát từ biển Cửa Đại ra Đà Nẵng. Ảnh: Hà Minh |
Theo ông Quang, tại Khu vực biển Cửa Đại hiện đang thực hiện đang thực hiện Dự án nạo vét thông luồng Cửa Đại cho tàu vào ra và Công trình khẩn cấp kè chống xâm thực bờ biển Hội An. Dự án này được triển khai từ cuối tháng 2/2017, do Ban Quản lý Dự án Đường thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Hội An, thuộc UBND thành phố Hội An làm chủ đầu tư; tổng khối lượng bơm hút là 180.000m3.
Theo khảo sát, tại vị trí thực hiện hút cát và nạo vét tại Cửa Đại, điểm gần nhất cách đất liền là 1,7 km và xa đất liền nhất là 2,4 km. Từ vị trí này ra đến Đà Nẵng là 54 km. Các đơn vị thực hiện thi công là Công ty Thành Đô; Công ty Sơn Thịnh. Hai công ty này thuộc chủ đầu tư là UBND TP. Hội An. Công ty Thuận Lưu thuộc dự án do Cục đường thủy nội địa làm chủ đầu tư.
Theo ông Quang, quá trình thi công đúng ra triển khai sớm, nhưng do mưa bão và vào dịp Tết nên chính thức thi công nạo vét bắt đầu từ 20/2 đến 25/3/2017 sẽ kết thúc. Khi lập dự án, có quy định thời gian nạo vét đến 17 h chiều thì dừng phương tiện di chuyển vào bãi tập kết.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, hút cát, 5 tàu dưới danh nghĩa của Công ty Thành Đô, do ông Nguyễn Hữu Thạch (ở số 273 Tôn Đức Thắng, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã điều chuyển cát ra phục vụ xây dựng dự án Khu đô thị mới Đa Phước tại Đà Nẵng.
Không những vậy, trong quá trình thi công, có việc một số phương tiện không đảm bảo điều kiện vận hành nhưng vẫn được tham gia, như lái tàu không có bằng, phương tiện chưa chính chủ.
Hợp đồng cũng quy định 17 h phải dừng hút cát nhưng có một số tàu tải trọng lớn không vào bãi tập kết được nên neo đậu bên ngoài dẫn đến thiếu kiểm tra, giám sát. Chính vì vậy, các phương tiện này lợi dụng đêm tối hút và cố tình “đi nhầm đường” đem đi đổ cho dự án tại Đà Nẵng.
Cùng với việc chỉ đạo Công an tiếp tục điều tra những đơn vị có liên quan, đích đến của nguồn cát từ Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam mở rộng điều tra để xác minh trong quá trình hút cát, các đơn vị thi công có đổ đúng khu vực quy định và không loại trừ việc hút cát đổ nền cho các dự án du lịch đang xây dựng tại Hội An, dọc đường ven biển ra Đà Nẵng.
Trong khi Chính phủ, tỉnh Quảng Nam, các nhà khoa học, chuyên gia đang nỗ lực cứu Cửa Đại khỏi xâm thực, sạt lở thì lợi dụng Dự án thông luồng, bồi bãi Cửa Đại, một lượng lớn cát tại Khu vực này đã được tuồn ra Đà Nẵng. Trong ảnh, bờ kè mềm bảo vệ biển Cửa Đại (Hội An). Ảnh: Hà Minh |
Qua những thiếu sót, sai phạm trên, ông Quang cho biết UBND tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm điểm cá nhân, tập thể có liên quan. “Hiện đã có một số chứng cứ để xử lý vi phạm. UBND tỉnh đang giao Công an hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý với cá nhân, phương tiện vi phạm”- ông Quang khẳng định.
Tại buổi làm việc, đại diện lực lượng công an tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định sẽ điều tra và xử lý nghiêm theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Đồng thời, kiến nghị truy thu khối lượng cát đã thất thoát.
“Đến thời điểm này, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam không có chủ trương, văn bản nào cho phép bất kỳ 1 doanh nghiệp, 1 đơn vị, tổ chức, cá nhân nào hút cát tại vùng biển Cửa Đại. Chỉ có 2 Dự án, 1 là của Cục Đường thủy nội địa và 1 là của Ủy ban nhân dân thành phố Hội An hút cát trong luồng đường thủy nội địa Cù Lao Chàm với 1 mục đích là thông luồng và là tận dụng cát đó để nuôi bờ. Vì vậy, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khai thác cát nằm ngoài 2 dự án trên đều phải chịu trách nhiệm”- ông Quang khẳng định lại.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Công an tỉnh khẩn trương vào cuộc để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm cá nhân, tập thể có liên quan.
Cũng liên quan đến thông tin lượng cát được hút tại Cửa Đại chở ra Đà Nẵng để phục vụ dự án Khu đô thị mới Đa Phước (The Sun Rise Bay) - chủ đầu tư Khu đô thị này khẳng định: Hiện tại, đơn vị tổng thầu đang triển khai thi công hạng mục cát san lấp cho Dự án là Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam Group) theo hợp đồng thi công được ký ngày 11/08/2016.
Theo quy định của Hợp đồng thi công, Nhà thầu có nghĩa vụ phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành trong quá trình thực hiện Hợp đồng. Do đó, Nhà thầu phải tuân thủ quy định tại điểm (e) khoản 2 Điều 113 Luật Xây dựng 2014: “Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc của vật tư, nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, sản phẩm xây dựng do mình cung cấp sử dụng vào công trình”. Đồng thời, Hợp đồng thi công đã ký cũng quy định rõ, Nhà thầu phải cung cấp các hợp đồng bảo hiểm đối với vật tư, vật liệu thi công và phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và trước pháp luật trong việc thực hiện công việc cung cấp cát và thi công san lấp.
“Do đó, Chúng tôi khẳng định, luôn tuân thủ các quy định pháp luật và yêu cầu tất cả các nhà thầu, nhà cung cấp phải thực hiện nguyên tắc này. Vì vậy, sự việc mà báo chí đang đề cập về hoạt động của Nhà thầu Trung Nam là vấn đề thuộc trách nhiệm riêng của Nhà thầu và do nhà thầu chịu trách nhiệm trước các cơ quan ban ngành và pháp luật”- Công văn số 18/2017 do Tổng giám đốc dự án The Sun Rise Bay, ông Dương Trường Sơn ký, nêu rõ.