Thông tin về định hướng phát triển sân bay Chu Lai trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho biết, địa phương đã trình Bộ Giao thông - Vận tải bản Đề án xã hội hoá sân bay Chu Lai.
Chủ tịch Lê Trí Thanh thông tin, Ban cán sự Đảng, Chính phủ đã báo cáo với Bộ Chính trị đề án xã hội hoá đầu tư các cảng hàng không sân bay trên toàn quốc. Sau khi Bộ Chính trị cho chủ trương thì Chính phủ sẽ triển khai tổ chức thực hiện.
Bộ Giao thông - Vận tải là cơ quan đầu mối, làm việc với các địa phương để triển khai, đẩy mạnh việc đầu tư sân bay trên toàn quốc. Trong đó, phân loại các sân bay theo quy mô, tầm vóc.
Ông Lê Trí Thanh khẳng định, sân bay Chu Lai được xác định là sân bay quy mô cấp 4F, là quy hoạch cấp lớn nhất của tổ chức hàng không dân dụng thế giới. Công suất đến năm 2050 là 30 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá.
“So với các trung tâm của các nước trong khu vực Đông Nam Á, 5 triệu tấn hàng hoá có nghĩa là quy mô lớn nhất. Điều đó cho thấy Chính phủ xác định được triển vọng và năng lực cạnh tranh của Cảng hàng không Chu Lai trong việc phát triển hàng hoá”, ông Thanh chia sẻ.
Sân bay Chu Lai sẽ trở thành sân bay quốc tế. |
Theo Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, hiện đề án xã hội hoá sân bay Chu Lai đã được tỉnh trình Bộ Giao thông - Vận tải. Sau khi có cơ chế đầu tư phát triển hệ thống sân bay toàn quốc theo hình thức xã hội hoá như thế nào, thì sân bay Chu Lai sẽ được đầu tư theo hình thức phù hợp.
Theo quan điểm của Quảng Nam, có 2 phương án đầu tư.
Một là, ACV sẽ hợp tác đầu tư cùng với doanh nghiệp tư nhân có năng lực để cùng đầu tư phát triển. Chỉ có một nhà khai thác duy nhất đối với sân bay Chu Lai, kể cả khu vực phía tây sân bay Chu Lai và khu vực phát triển mới là phía đông sân bay.
Phương án 2 là có hai nhà khai thác. Phía tây sân bay hiện nay tiếp tục do ACV là đơn vị khai thác. Mời gọi nhà khai thác thứ hai để đầu tư phía đông sân bay Chu Lai theo quy hoạch.
“Quan điểm của tỉnh là như vậy, nhưng quyết định ra sao phải chờ ý kiến cấp trên. Không có chỗ nào trên cả nước, mà có đến hai sân bay quốc tế gần nhau, đó là sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay Chu Lai. Đây là điều kiện, nền tảng vô cùng thuận lợi cho sự phát triển của địa phương”, ông Lê Trí Thanh khẳng định.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được đầu tư xây dựng với quy mô sân bay đạt cấp 4F.
Cảng hàng không quốc tế Chu Lai sẽ trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ hàng không quốc tế với các hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá, logistics hàng không; trung tâm đào tạo và huấn luyện bay.
Đồng thời, sân bay này sẽ là trung tâm sửa chữa bảo dưỡng các loại máy bay, sản xuất linh phụ kiện ngành hàng không; gắn kết với khu phi thuế quan và các khu công nghiệp công nghệ cao, hình thành trung tâm sản xuất, chế tác, gia công các sản phẩm công nghệ cao, giá trị cao, xuất nhập khẩu đường hàng không.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chu Lai sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế.