Doanh nghiệp sốt ruột
Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng vừa tiếp tục có văn bản đề nghị tỉnh Quảng Nam làm rõ số phận Dự án Khu liên hiệp Giáo dục - Đào tạo Nam Hội An.
Được biết, tháng 8/2018, UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu liên hiệp Giáo dục - Đào tạo Nam Hội An. Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng, diện tích 41 ha tại huyện Thăng Bình. Mục tiêu của Dự án là xây dựng “thành phố giáo dục quốc tế” với nhiều cấp học, đáp ứng nhu cầu học của 12.000 học sinh. Nhưng rồi sau đó, dự án này không có tiến triển gì trên thực địa.
Công ty Nguyễn Hoàng cho biết, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư; phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện Dự án số tiền 7,5 tỷ đồng và tạm ứng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo văn bản được ban hành vào tháng 7/2021, nhằm giải quyết đề nghị của doanh nghiệp liên quan Dự án, tỉnh Quảng Nam thông tin, địa phương đang lập hồ sơ quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình đến năm 2030, quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Minh; Sở Xây dựng lập quy hoạch chung khu vực ven sông, ven biển các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình. Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam chưa xem xét, tham mưu UBND tỉnh giải quyết các đề nghị của doanh nghiệp liên quan Dự án Khu liên hiệp Giáo dục - Đào tạo Nam Hội An.
Sau khi có thông tin dừng thực hiện Dự án Khu liên hiệp Giáo dục - Đào tạo Nam Hội An, Công ty Nguyễn Hoàng đã đề nghị tỉnh Quảng Nam có văn bản chính thức về việc dừng thực hiện Dự án, hoàn lại số tiền ký quỹ và số tiền đã tạm ứng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Theo Công ty Nguyễn Hoàng, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi của chính quyền tỉnh Quảng Nam. Trong khi đó, theo Quyết định chủ trương đầu tư, thì tiến độ đầu tư đã hết hạn từ quý III/2021.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương cũng đang thúc giục tỉnh Quảng Nam giải quyết Dự án Khu phức hợp Dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương. Theo văn bản gửi tỉnh Quảng Nam của doanh nghiệp này, Dự án Khu phức hợp Dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương đã thực hiện phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch, phê duyệt Quy hoạch 1/500. Dự án đã giải phóng mặt bằng 127,29/154 ha, di dời 2.602/3.102 ngôi mộ; xây hàng rào; thi công đường phục vụ công tác xây dựng Dự án. Nhưng sau đó, nhà đầu tư không thể triển khai tiếp.
Theo đề xuất của UBND tỉnh, nhà đầu tư đã đồng thuận hoàn trả Dự án từ năm 2021 và đã cùng cơ quan có thẩm quyền của tỉnh xác định mức chi đã đầu tư cho dự án này là hơn 254 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương cho biết, đã hơn 2 năm kể từ ngày thu hồi Dự án, cơ quan chức năng vẫn chưa có chủ trương, định hướng giải quyết phần chi phí mà nhà đầu tư đã bỏ ra trong nhiều năm qua, khiến doanh nghiệp khó khăn về tài chính…
Tìm hướng giải quyết
Khu dân cư dịch vụ - du lịch Làng chài Điện Dương (thị xã Điện Bàn) cũng thuộc trường hợp doanh nghiệp trả lại dự án cho tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, việc hoàn trả chi phí đầu tư mà doanh nghiệp đã chi ra như thế nào thì vẫn bỏ ngỏ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, dù đã rất tích cực triển khai Dự án, nhưng vì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nên Công ty cổ phần Xây dựng Bestcon đã thông báo chấm dứt hoạt động từ tháng 6/2023. Dự án này có diện tích 24,17 ha, tổng mức đầu tư khoảng 199 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã chuyển hơn 29,7 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Theo Biên bản họp đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Xây dựng Bestcon, các cổ đông đồng ý chấm dứt và trả lại Dự án để đấu thầu hoặc đấu giá theo đúng quy định của pháp luật, nhưng kèm với điều kiện là tỉnh Quảng Nam ghi nhận và giải quyết toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp đã đầu tư cho dự án này (gần 55 tỷ đồng).
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, việc doanh nghiệp thông báo chấm dứt hoạt động Dự án Làng chài Điện Dương là phù hợp quy định pháp luật. Tuy nhiên, điều kiện để ghi nhận và giải quyết toàn bộ chi phí doanh nghiệp đã chi trả trong thời gian qua là không có cơ sở.
Ông Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam thông tin, Sở đã tham mưu thu hồi Dự án Làng chài Điện Dương và đề nghị tổ chức cuộc họp để xem xét phương án xử lý các chi phí cho doanh nghiệp.
Còn với Khu phức hợp Dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương, Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương kiến nghị tỉnh Quảng Nam xem xét bố trí nguồn ngân sách để lên phương án hoàn trả chi phí đầu tư. Trường hợp không bố trí được nguồn chi trả từ ngân sách, thì đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án để doanh nghiệp có cơ sở thu hồi phần vốn từ nhà đầu tư mới.
Để giải quyết đề nghị của doanh nghiệp, mới đây, chính quyền tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đề xuất phương án giải quyết đối với Dự án Khu phức hợp Dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương, Dự án Khu liên hiệp Giáo dục - Đào tạo Nam Hội An…
Có thể thấy, việc dừng hoạt động và thu hồi dự án không hề đơn giản.