Tỉnh Quảng Nam xác định xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, hướng đến xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của Khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực Châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới. |
UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Tỉnh Quảng Nam xác định xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, hướng đến xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của Khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực Châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới. Các chủ trương, chiến lược, quy hoạch phát triển của Trung ương và tỉnh Quảng Nam ban hành mở ra cho Hội An nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xây dựng thành phố trong thời kỳ mới. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam nói chung, thành phố Hội An nói riêng đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực, tranh thủ huy động nguồn lực trong nước, quốc tế để xây dựng và phát triển thành phố Hội An đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Hiện nay, Hội An đang là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của cả nước và thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
Gần đây, thành phố Hội An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn xây dựng hồ sơ gia nhập “mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO”. Đây là cơ hội tốt để thành phố Hội An quảng bá sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo, đóng góp vào những mục tiêu bền vững và tăng trưởng đa chiều như: bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, sự thịnh vượng về kinh tế và cố kết xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, qua đó củng cố, tiếp nối truyền thống sáng tạo đã có gốc rễ bền lâu trong lịch sử và tiếp tục thích ứng, nâng lên một tầm cao mới phù hợp với bối cảnh đương đại, dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn con người và các nguồn tài nguyên khác của Hội An.
Tuy nhiên, UBND tỉnh nhận diện, trong quá trình phát triển, thành phố Hội An vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có; công tác quy hoạch và huy động nguồn lực đầu tư không theo kịp yêu cầu của sự phát triển; chưa đảm bảo cân bằng giữa nhiệm vụ bảo tồn và phát triển; thiếu nguồn lực đầu tư để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của di sản.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, môi trường sinh thái của Hội An đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ đánh mất bản sắc văn hoá truyền thống, mất cân bằng trong phát triển. Bên cạnh đó, những biến động khó lường về tình hình chính trị quốc tế, dịch bệnh toàn cầu, biến đổi khí hậu, kỷ nguyên số… đặt ra nhiều thách thức lớn đối với việc bảo tồn, xây dựng và phát triển thành phố Hội An.
Trong khi đó, “Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2012 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bởi Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 12/1/2012, với mục tiêu bảo tồn vững chắc và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Hội An; bảo tồn cảnh quan vốn có và môi trường cảnh quan liên hệ; nâng cao và phát huy vai trò cộng đồng trong công cuộc bảo tồn di sản, giáo dục người dân ý thức bảo tồn di sản cộng đồng; hài hòa giữa công tác bảo tồn đô thị và phát triển đô thị mới mang tính chất của một đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị cổ để phù hợp với bảo tồn di sản văn hóa, giảm thiểu các tác động xấu của môi trường đến di tích Hội An, hướng tới phòng chống thảm họa do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra; đồng thời đáp ứng quy hoạch mới thành phố Hội An, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch chưa được triển khai thực hiện hoặc kết quả đạt được còn rất ít.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cấp thiết đặt ra, trên cơ sở kế thừa “Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012 - 2025”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 là hết sức cấp thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để làm cơ sở đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn nữa trong thời gian đến.
UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cấp thẩm quyền giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương được nêu trong Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 như các cơ chế, chính sách đặc thù; phân bổ các nguồn lực Trung ương và hỗ trợ nước ngoài đầu tư cho Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An.