Đại công trường Khu liên hiệp thép Hòa Phát Dung Quất. |
Dự cảm tốt lành đầu năm
Quảng Ngãi có lẽ là mảnh đất của những dự cảm tốt lành ngay từ đầu năm. Còn nhớ đầu năm 2017, Tập đoàn Hòa Phát đã “xông đất” Khu kinh tế Dung Quất, đặt đại bản doanh và ngay sau đó biến nơi đây thành đại công trường với siêu dự án có tổng vốn đầu tư các giai đoạn lên đến hơn 54.000 tỷ đồng.
Năm nay, sớm hơn Hòa Phát, 4 nhà đầu tư thuộc hàng “có máu mặt” của các quốc gia trên thế giới ngay từ tháng 1/2019 đã hội tụ về Quảng Ngãi, dừng chân tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi để xây dựng các nhà máy công nghiệp công nghệ cao với tổng vốn 321 triệu USD. Ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi không giấu được niềm vui: “Đây là những dự án được cấp mới, hứa hẹn tạo nên bức tranh về công nghiệp Quảng Ngãi sôi động, đa dạng sản phẩm, kích cầu công nghiệp và mang lại những dự cảm tốt lành về thu hút đầu tư trong năm 2019”.
Các dự án đầu tư mới được cấp phép lần này gồm: Nhà máy sản xuất sợi thép bện của Bekaert Việt Nam (tổng vốn đầu tư 125 triệu USD, từ Bỉ), Nhà máy sản xuất và chế biến nệm của Gesin Việt Nam (10 triệu USD, Hàn Quốc), Nhà máy sản xuất trang thiết bị nội thất Happy (48 triệu USD, Singapore) và Dự án sản xuất tròng mắt kính Hoya Lens Việt Nam (138 triệu USD, Nhật Bản).
Ông Gil Farias, Tổng giám đốc Công ty Hoya Lens Việt Nam chia sẻ: “Hoya Lens Việt Nam thuộc Công ty Vision Care (ngành kính mắt) của Tập đoàn Hoya, là đơn vị kinh doanh lớn nhất của Tập đoàn. Hoya Lens Việt Nam thành lập nhà máy đầu tiên năm 2007 tại VSIP Bình Dương và nay quyết định thành lập nhà máy thứ 2 tại VSIP Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư 138 triệu USD. Đây là dự án sản xuất mắt kính lớn nhất thế giới, với công suất 130 triệu sản phẩm/năm. Theo kế hoạch, Dự án sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2019 và giải quyết việc làm cho trên 2.500 lao động địa phương”.
Có thể dễ dàng nhận thấy, sau thành công của Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina, Quảng Ngãi là bến đỗ tin cậy và đầy hứa hẹn của nhiều đại dự án của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Đó là những cái tên chỉ cần nhắc đến đã hình dung ra biểu tượng của thương hiệu, như Hoà Phát, Vingroup, Nguyễn Hoàng, Tập đoàn Messer (Đức), hay Sembcorp (Singapore)...
“Trong tổng quan bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi năm 2018, ngành công nghiệp - xây dựng tiếp tục có sự bứt phá ngoạn mục, với tốc độ tăng tưởng 12,1% so với năm 2017 và chiếm 52,01% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh”, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khá hài lòng trước những con số ấn tượng.
Cấp phép đầu tư cho một trong 4 dự án vào VSIP Quảng Ngãi đầu tháng 1/2019. |
“Đường băng” của công nghiệp Quảng Ngãi thực sự được mở rộng khi cuối tháng 5/2018, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất việc phát triển Khu kinh tế Dung Quất thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trong những năm tới, đồng thời là động lực để tỉnh thu hút các nhà đầu tư mới.
Hạt nhân là Khu kinh tế Dung Quất
Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh, cần khai thác có hiệu quả các lợi thế để Khu kinh tế Dung Quất thực sự trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những năm tới.
Để đạt mục tiêu đó, phải sử dụng hiệu quả đất công nghiệp; tích cực phối hợp với các cơ quan trung ương để triển khai xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất. Đồng thời, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; Khu Đô thị - Công nghiệp Dung Quất; Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi...
Là một trong những khu kinh tế ven biển được thành lập đầu tiên của cả nước, đến nay, Khu kinh tế Dung Quất đã khẳng định vị thế, tầm quan trọng của mình trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Bên cạnh những dự án lớn đã và đang đầu tư, bằng cơ chế chính sách ưu đãi, sự tận tâm hết mình hỗ trợ nhà đầu tư của lãnh đạo tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi. Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi đang tiếp tục vươn mình đón những “làn sóng” đầu tư mới.
Đúng như nhận định của các chuyên gia kinh tế và định hướng của Quảng Ngãi, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi đang có thế mạnh để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bằng chứng là năm qua, nơi đây đã thu hút được nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ. Quy mô tuy không lớn, nhưng tính chất của các dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành chuỗi giá trị, hỗ trợ các dự án công nghiệp có quy mô lớn tại Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh 2 dự án của Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất do Tập đoàn Hòa Phát làm chủ đầu tư là 6 dự án của 6 nhà đầu tư Hàn Quốc phụ trợ cho Doosan Vina, với tổng vốn đầu tư hơn 11 triệu USD. Tháng 8/2019, cả 6 dự án này đã đồng loạt động thổ và đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng.
Bên cạnh các dự án công nghiệp, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cũng đã được Tập đoàn FLC chọn làm bến đỗ cho tổ hợp bao gồm 5 dự án thuộc lĩnh vực du lịch - thương mại và dịch vụ. Các dự án này đã được cấp chủ trương đầu tư tại Khu đô thị Vạn Tường, theo khái toán vốn của FLC là 12.470 tỷ đồng…
Phát triển du lịch, dịch vụ đã và đang được Quảng Ngãi xem là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, Quảng Ngãi chưa có bất kỳ sản phẩm du lịch - dịch vụ nổi trội nào mang tính đặc thù. Sự có mặt của FLC tại Khu đô thị Vạn Tường và các vùng phụ cận sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung.
Dự báo năm 2019, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi sẽ tiếp tục sôi động. Ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cho biết, Ban đang hướng dẫn một số nhà đầu tư lớn, tiềm năng hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, tình hình triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và các dự án thuộc Tổ hợp điện khí đã có những bước tiến quan trọng.
“Trước mắt, Ban Quản lý sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án có sức lan tỏa trong thu hút đầu tư như Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất; dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các dự án của Tập đoàn FLC; cùng các bộ, ngành Trung ương và nhà đầu tư sớm triển khai các dự án trong Tổ hợp khí tại Khu kinh tế Dung Quất”, ông Nguyễn Minh Tài cho biết.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tập trung thu hút các dự án từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ… Phối hợp chặt chẽ với VSIP Quảng Ngãi để tập trung thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào công nghiệp nhẹ.
Những lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi là công nghiệp nặng có quy mô lớn và gắn với cảng nước sâu Dung Quất; hóa dầu, hóa chất; logistics, hạ tầng và dịch vụ cảng, kho bãi; đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; du lịch, đô thị - nghỉ dưỡng…
Với đầu tư trong nước, tỉnh đã cấp phép đầu tư 99 dự án (chưa tính 27 dự án bất động sản), với tổng vốn đăng ký 10.380 tỷ đồng; vốn thực hiện ước đạt 24.974 tỷ đồng, trong đó có 14 dự án đi vào hoạt động.