Đầu tư
Quảng Ngãi bứt phá từ các ngành kinh tế chủ lực
Minh Hà - 20/10/2020 23:21
Là hạt nhân của VKTTĐ miền Trung, Quảng Ngãi sở hữu nhiều lợi thế. Phát huy vai trò của KKT Dung Quất cùng các ngành kinh tế chủ lực, Quảng Ngãi đang tạo bứt phá trên hành trình phát triển.
Các dự án công nghiệp lớn hội tụ về Khu kinh tế Dung Quất. Trong ảnh: Khu liên hợp Luyện cán thép Hòa Phát Dung Quất.

Đột phá công nghiệp

Ngành công nghiệp có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Điều này đã được ghi nhận tại Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi ước đạt 132.965 tỷ đồng, tăng bình quân 4,49%/năm; nếu không tính giá trị sản phẩm lọc dầu thì tăng 24,68%/năm (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX). Giá trị tăng thêm công nghiệp ước đạt 27.733 tỷ đồng, tăng bình quân 4,76%/năm (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX); nếu không tính sản phẩm lọc hóa dầu thì tăng bình quân 20,16%/năm. Tỷ lệ lao động công nghiệp - xây dựng trong tổng lao động chiếm 32% (đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX).

Cùng với đó, giá trị sản xuất các nhóm ngành công nghiệp đều có mức tăng khá. Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào công nghiệp lọc, hóa dầu. Công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực trong tăng trưởng công nghiệp; trong đó, công nghiệp luyện kim, sản xuất kim loại hình thành và phát triển rõ nét với quy mô lớn gắn với cảng nước sâu Dung Quất. Công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử... phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu có mức tăng trưởng cao. Công nghiệp chế biến thực phẩm, nước uống phát triển mạnh. Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may có bước phát triển gắn với Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn phát triển khá…

Để các chỉ tiêu kinh tế hoàn thành và vượt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ XIX đề ra, nổi bật lên vai trò của Khu kinh tế Dung Quất - một trong những khu kinh tế ven biển được thành lập đầu tiên trên cả nước, được ưu tiên đầu tư từ ngân sách trung ương, được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh và đã thu hút nhiều dự án lớn.

Báo cáo chính trị đánh giá: “Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển, thu hút được nhiều dự án, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động”.

Đặc biệt, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan Vina (Hàn Quốc), Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất; các dự án điện khí… là những “biểu tượng” của ngành công nghiệp Quảng Ngãi và cả nước.

Bên cạnh Dự án Lọc hóa dầu đã vận hành và đang trong quá trình nâng cấp và mở rộng, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất là một trong những dự án có quy mô lớn nhất trong ngành công nghiệp Quảng Ngãi với công suất 4 triệu tấn thép/năm, diện tích hơn 429 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng. Đến nay, Dự án đã giải ngân khoảng 54.000 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn I đã hoàn thành; giai đoạn II đạt trên 90% khối lượng; tuyển dụng 9.700 lao động. Dự kiến, đến cuối năm 2020, sản lượng sản xuất đạt 3,3 triệu tấn, đóng góp vào ngân sách tỉnh khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết: “Trong thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng nhà máy cung cấp nước thô, đầu tư xây dựng cảng chuyên dụng, Hòa Phát tiếp tục mở rộng Khu liên hợp lên quy mô công suất 5 triệu tấn thép/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng”.

Để tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp, tạo đột phá tăng trưởng, Quảng Ngãi đã tập trung hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tốc độ bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu công nghiệp đô thị và dịch vụ mới, như Khu công nghiệp - đô thị Dung Quất, Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi. Đồng thời, thực hiện các công việc cụ thể theo chủ trương quy hoạch Trung tâm Lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tập trung cho các lĩnh vực trọng tâm

Cùng với việc xác định công nghiệp là lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế, nhiệm kỳ tới, Quảng Ngãi thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

5 năm qua, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Quảng Ngãi tăng trưởng ổn định và cao hơn so với bình quân cả nước. Từ nền tảng này, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cụ thể hóa chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư và bố trí nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với mục tiêu chủ đạo là hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh dự kiến có 89 xã và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX), 12 khu dân cư nông thôn kiểu mẫu.

Bên cạnh trọng tâm phát triển nông nghiệp, Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX cũng ghi nhận những năm qua, du lịch Quảng Ngãi có bước phát triển, nhất là du lịch biển, đảo, nghỉ dưỡng, sinh thái; hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư, nâng cấp; số lượng cơ sở lưu trú ngày càng tăng, một số khu, điểm du lịch mới được đầu tư, đưa vào khai thác, bước đầu đã thu hút một số dự án có quy mô lớn tại Mỹ Khê, Dung Quất, Lý Sơn.

Quảng Ngãi định hướng phát triển du lịch biển, đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo, lấy Lý Sơn làm hạt nhân nhưng khai thác bền vững, không phát triển nóng.

Để bắt kịp xu thế phát triển chung của khu vực, đưa du lịch thành ngành kinh tế triển vọng và phát triển nhanh, mạnh, bền vững, Quảng Ngãi đã đưa ra chiến lược phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh. Trong đó, phát triển du lịch biển, đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo, lấy Lý Sơn làm hạt nhân nhưng khai thác bền vững, không phát triển nóng. Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh trên cơ sở nâng tầm giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, Trường Lũy Quảng Ngãi, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

Tỉnh cũng hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào khai thác Khu văn hóa Thiên Mã; đầu tư Công viên Thiên Bút; kêu gọi đầu tư Khu văn hóa Thiên Ấn. Phát triển du lịch sinh thái; tạo thuận lợi để đầu tư đồng bộ, khai thác hiệu quả các khu, điểm du lịch: Suối Chí, Bãi Dừa, suối nước nóng Nghĩa Thuận, thác Trắng, Thiên Đàng; thúc đẩy sớm xây dựng, đưa vào khai thác các khu du lịch nghỉ dưỡng ở khu đô thị Vạn Tường, Bình Châu, Mỹ Khê, Mộ Đức, Sa Huỳnh...; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái ở núi Cà Đam, Gành Yến, suối nước nóng Thạch Bích...; thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn ở những nơi có điều kiện. Đặc biệt, tỉnh luôn kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch.

Theo đánh giá, môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ngãi đang từng bước được cải thiện; công tác xúc tiến đầu tư có đổi mới, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư; các thành phần kinh tế được thúc đẩy phát triển.

Tính đến tháng 6/2020, Quảng Ngãi đã cấp chủ trương đầu tư 524 dự án trong nước, 41 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có một số dự án quy mô lớn, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng nhanh, tổng vốn huy động 5 năm ước đạt 143.558 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý khoảng 22.573 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng cao, tăng từ khoảng 59% (năm 2015) lên khoảng 78% (năm 2020).

Báo cáo chính trị xác định, tích cực thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực thực sự, đầu tư các khu, điểm du lịch quy mô lớn để tạo bước đột phá trong phát triển dịch vụ du lịch theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, Quảng Ngãi tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng, mô hình quản trị hiện đại, công nghệ tiên tiến, kết nối chuỗi cung ứng và có tác động lan tỏa, cộng hưởng chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Một số chỉ tiêu giai đoạn 2020 – 2025

Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu:

- Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 7 - 8%/năm (công nghiệp tăng bình quân 8 - 9%/năm); đến năm 2025, chiếm 40 - 41% GRDP.

- Nông nghiệp tăng trưởng bình quân 4 - 5%/năm; đến năm 2025, chiếm 16 - 17% GRDP.

- Ngành dịch vụ tăng trưởng bình quân 8 - 9%/năm; đến năm 2025, chiếm 29 - 30% GRDP.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt trên 1,68 tỷ USD.

Tin liên quan
Tin khác