- Đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa bàn Đắk Lắk và Gia Lai
- Tín hiệu thuận cho Dự án cao tốc Phủ Lý - Nam Định trị giá 9.400 tỷ đồng
- 7.000 tỷ đồng mở rộng cao tốc Cam Lộ-La Sơn; Sớm hoàn thành dự án Thành phố Thông minh 4,2 tỷ USD
- Tham vấn ý kiến về tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trị giá 13.726 tỷ đồng
Các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. |
Nhiều vướng mắc
Quảng Ngãi đặt quyết tâm hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn trước ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc, ngày 30/12/2023, Quảng Ngãi có báo cáo kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất thời gian thực hiện hoàn thành bàn giao phần mặt bằng còn lại của dự án này đến ngày 30/4/2024.
Tính đến ngày 30/4/2024, phần diện tích đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là 489,2/494 ha, đạt 99% tổng diện tích quy hoạch.
Hiện còn 59 hộ/4,94ha chưa bàn giao mặt bằng tuyến chính (huyện Tư Nghĩa là 42 hộ/3,45 ha; huyện Nghĩa Hành là 2 hộ/0,56 ha; huyện Mộ Đức là 2 hộ/0,08 ha; thị xã Đức Phổ là 13 hộ/0,74 ha).
Theo ông Nguyễn Đăng Vinh, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, thời gian qua, huyện đã lập các đoàn công tác, đến tận nhà vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, nhưng hiện còn một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Có nhiều trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp, nếu thực hiện cưỡng chế thu hồi, thì người dân không có chỗ ở, nên chính quyền rất cảm thông, chia sẻ khó khăn với người dân.
“Huyện cũng đã tham vấn các sở, ngành để tháo gỡ những tồn tại vướng mắc, đồng thời sẽ có văn bản trình UBND tỉnh chỉ đạo nhằm đảm bảo công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư thực hiện theo quy định của pháp luật”, ông Vinh nói.
Đại diện gói thầu XL1 cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cho hay, theo kế hoạch năm 2024, nhà thầu sẽ thi công với sản lượng lũy kế đạt khoảng 7.500 tỷ đồng, trong đó sẽ hoàn thiện mặt đường, vỏ hầm, thiết bị của hầm xuyên núi số 1 và hầm số 2; hoàn thành đắp đất nền đường và thi công một phần bê tông nhựa. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là một số đoạn, tuyến, đi qua Quảng Ngãi đang bị vướng mặt bằng và gặp khó trong khai thác các mỏ vật liệu.
Nguyên nhân các nhà thầu được cấp mỏ khoáng sản thi công cao tốc gặp nhiều khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng khai thác mỏ vì người dân yêu cầu giá bồi thường cao.
Bên cạnh đó, việc thỏa thuận đường vận chuyển cát tại một số mỏ người dân chưa đồng thuận, phải tổ chức điều chỉnh lại, mất nhiều thời gian. Thủ tục cấp phép khai thác mỏ còn kéo dài, ảnh hưởng đến việc khai thác đất, cát phục vụ thi công dự án. Công tác hợp đồng giải phóng mặt bằng với đơn vị chuyên môn của địa phương còn gặp khó khăn vì các đơn vị này bị quá tải công việc.
Tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung chỉ đạo các địa phương có đường cao tốc đi qua huy động toàn bộ hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động người dân sớm bàn giao dứt điểm hơn 1% phần diện tích mặt bằng còn lại cho chủ đầu tư và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.
Sẽ cưỡng chế nếu không chấp thuận
Liên quan đến viêc 1% diện tích chưa giải phóng mặt bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền yêu cầu các địa phương phải soát xét từng trường hợp, giải quyết thỏa đáng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp dân tiếp tục không đồng thuận thì tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất. Tất cả các vướng mắc phải được báo cáo cụ thể, kịp thời để UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ, trên đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Liên quan đến mỏ vật liệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, trong tháng 5/2024 sẽ cấp phép tất cả các mỏ đất, mỏ cát còn lại. Các mỏ đã cấp phép, đề nghị nhà thầu phối hợp chính quyền địa phương xử lý vướng mắc, đưa mỏ vào khai thác.