Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Ngãi đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung, tạo tiền đề để đến năm 2030, đứng trong nhóm địa phương phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là cơ sở để định hình các lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. |
Kết quả quan trọng
Những thành tựu nổi bật mà tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được trong giai đoạn 2015 - 2020 đã được nhìn nhận, đánh giá, khái quát trong Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cụ thể, kinh tế tiếp tục phát triển; quy mô tổng sản phẩm tăng khá. Ba nhiệm vụ đột phá, ba nhiệm vụ trọng tâm được tập trung chỉ đạo và thực hiện đạt một số kết quả quan trọng. Giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm ngành công nghiệp vượt mục tiêu đề ra. Hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển khá.
Cùng với đó, môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư từng bước được cải thiện, có mặt chuyển biến tích cực, xây dựng và phát triển văn hóa, con người được chú trọng. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, sự nghiệp y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển.
Quảng Ngãi cũng thực hiện tốt các chính sách xã hội; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác nội chính, đối ngoại được tăng cường. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Hoạt động của Mặt trận, đoàn thể được đổi mới, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát đạt một số kết quả.
Từ đánh giá tổng quát này, soi vào các chỉ tiêu kinh tế mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, dẫu còn những chỉ tiêu kinh tế chưa đạt, nhưng nếu nhìn vào điểm xuất phát của Quảng Ngãi 30 năm về trước, sẽ ghi nhận những bước tiến vượt bậc.
Từ một nền kinh tế quy mô nhỏ, điểm xuất phát thấp, hạ tầng gần như chưa có gì, công nghiệp yếu kém, nông nghiệp thủ công, du lịch, dịch vụ gần như bằng không... đến nay, GRDP của Quảng Ngãi tăng bình quân 4,83%/năm; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 53,14%, dịch vụ chiếm 28,35%, nông nghiệp chiếm 18,51%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.791 USD, gấp 1,2 lần so với năm 2015. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 5 năm 2015 - 2020 ước đạt 90.175 tỷ đồng, bằng 107,7% so với mục tiêu Trung ương giao. Từ một tỉnh hằng năm phải nhận “cứu trợ” từ ngân sách Trung ương, thu ngân sách thấp, Quảng Ngãi đã trở thành một trong những địa phương trong top đầu về thu ngân sách và có điều tiết về Trung ương.
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là ở miền núi, tranh thủ các nguồn vốn trung ương, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước và tập trung ngân sách địa phương, Quảng Ngãi đã đầu tư hạ tầng nghề cá, hỗ trợ ngư dân, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đề ra những chính sách phát triển phù hợp trong tình hình mới. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng trưởng ổn định, đảm bảo tiến độ xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo nông thôn và cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế cho người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, bên cạnh mặt tích cực, những vấn đề mới luôn nảy sinh, đòi hỏi có giải pháp phù hợp, nhịp nhàng để biến thách thức thành cơ hội. Báo cáo chính trị trình Đại hội đã nhận diện 6 hạn chế, khuyết điểm là những vấn đề thiết thực, có quan hệ chặt chẽ không thể tách rời với phát triển kinh tế, xã hội và tác động trực tiếp đến người dân. Trong đó, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
“Dù công nghiệp là mũi nhọn Quảng Ngãi cần tập trung và thu hút đầu tư trong nhiệm kỳ vừa qua, nhưng đây cũng là hạn chế và yếu kém khi công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị”, Báo cáo nêu rõ.
Báo cáo chính trị còn nhìn nhận, công tác xây dựng Đảng, cụ thể là trong vấn đề theo dõi, nắm bắt, tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận có việc chưa kịp thời, thiếu chiều sâu. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn hạn chế, chưa thực chất. Việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn bộc lộ một số mặt bất cập. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, phê bình và tự phê bình của một số tổ chức đảng, đảng viên còn thấp, có biểu hiện nể nang, xuê xoa, chưa làm tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở…
Khơi dậy khát vọng, niềm tự hào
Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu to lớn sau 30 năm tái lập tỉnh và còn nhiều dư địa phát triển. Chất lượng nhân lực được nâng cao, môi trường kinh doanh, đầu tư ngày càng minh bạch, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp đang được thực thi mạnh mẽ… Đây là những nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện.
Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7 - 8%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 6 - 8%/năm. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người khoảng 4.200 - 4.400 USD; thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) tăng bình quân 7 - 10%/năm; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GRDP khoảng 69 - 70%; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 35%. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn trong 5 năm đạt ít nhất 150.000 tỷ đồng; phấn đấu thu ngân sách hàng năm vượt mức chỉ tiêu Trung ương giao trên 5%.
Đến năm 2025, Quảng Ngãi phấn đấu có 119 xã và 6 huyện đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 37%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 65%...
Về công tác xây dựng Đảng, nhiệm kỳ mới phấn đấu bình quân hàng năm có khoảng 70% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có khoảng 20% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Báo cáo chính trị đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, gồm: tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị; cải cách hành chính; nâng cao thứ hạng các chỉ số Cải cách hành chính, Hiệu quả quản trị và hành chính công, Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, với mong muốn đổi mới, khát vọng vươn lên, trong giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi xác định năm sau phải phát triển cao hơn năm trước và có tính đến so sánh mức độ phát triển của Quảng Ngãi với các tỉnh lân cận và vùng miền Trung.
Theo ông Đặng Văn Minh, không còn con đường nào khác là Quảng Ngãi phải phát triển kinh tế cả chiều rộng và chiều sâu, lấy tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, bền vững làm hướng chủ đạo. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. “Nhà nước làm tốt vai trò kiến tạo để mọi người được trao cơ hội phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới. Lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”, ông Minh khẳng định.
Đồng quan điểm này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bà Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, trên tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Thường vụ Tỉnh ủy khẳng định, nhiệm kỳ tới sẽ chỉ đạo, tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng theo mục tiêu tổng quát: “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân; khơi dậy niềm tự hào, phát huy truyền thống anh hùng, sức mạnh đoàn kết, và khát vọng phát triển. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung; tạo tiền đề để đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước”.
- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp.
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
- Đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển…