Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi đang lấy ý kiến các Sở, ngành liên quan nhằm hoàn thiện dự thảo phương án cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo dự thảo, cac doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này sẽ được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án đã thi công hoàn thành và đưa vào vận hành sản xuất. Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa 8 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, 6 năm nếu là dự án ưu đãi đầu tư, 5 năm đối với dự án khuyến khích đầu tư, với hạn mức vay tối đa không quá 70% tổng chi phí đầu tư của dự án.
Về hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, dự thảo đề xuất mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, nhưng không quá 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, thiết bị, hệ thống tưới và xử lý môi trường. Điều kiện hỗ trợ quy định diện tích từ 3 ha trở lên.
Về hỗ trợ đầu tư trồng rau, củ, quả, nấm an toàn, dự thảo đề xuất mức hỗ trợ 60% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, thiết bị, hệ thống tưới và xử lý môi trường nhưng không quá 1,5 tỷ đồng/ha. Điều kiện hỗ trợ quy định diện tích từ 3 ha trở lên hoặc từ 2.000m2 nhà lồng (nhà kính, nhà lưới, nhà màng) trở lên hoặc từ 1.000m2 trở lên đối với nhà trồng nắm (kể cả diện tích liên kết sản xuất với các hộ dân).
Theo ý kiến các sở ngành, các nội dung quy định của chính sách đặc thù trên được xây dựng căn cứ theo các quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghệp, nông thôn; nội dung hỗ trợ có trọng tâm, định mức hỗ trợ hợp lý, giới hạn tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch là phù hợp theo xu hướng chung đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây; đồng thời cũng phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực thực tế của tỉnh, do vậy chính sách có tính khả thi cao khi đi vào thực tiễn cuộc sống.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, hiện trên địa bàn tỉnh có 40 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bằng nguồn vốn ngoài ngân sách đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng.
Trong tổng số các dự án trên, hiện có 16 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 26 dự án còn lại đang triển khai các thủ tục có liên quan. Huyện Mộ Đức là địa phương thu hút được nhiều dự án đầu tư nông nghiệp nhất với 16 dự án, tiếp đến là huyện Tư Nghĩa 7 dự án, huyện Đức Phổ 5 dự án và Nghĩa Hành 4 dự án,…