UBND tỉnh Quảng Ngãi đã vừa đề nghị Bộ Công thương một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Theo đó, thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, giá biến động với biên độ lớn, thị trường trong nước có tình trạng thiếu hụt nguồn cung, một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa và tạm ngừng bán, ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt người dân.
Nhằm đảm bảo và tăng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, BSR đã bổ sung thêm nguồn dầu thô, nhập khẩu thêm các nguyên liệu trung gian như C9, C10, Xylene, Reformate, Akylate, Naphtha….
Vướng mắc hiện nay là theo lộ trình giảm thuế tại các Hiệp định thương mại tự do, sang năm 2024, thuế nhập khẩu với các sản phẩm xăng dầu đã được điều chỉnh về mức thấp nhất là 0%, nguồn dầu thô nhập khẩu cũng có mức thuế suất là 0% nhưng các nguyên liệu nói trên lại vẫn có mức thuế suất thuế nhập khẩu lớn hơn 0%. Vì vậy đã hạn chế cơ hội để đưa các nguyên liệu này vào phối trộn tại Nhà máy.
Để góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ Công thương kiến nghị với cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu với các nguyên liệu phối trộn cho NMLD Dung Quất, nhắm làm tăng khả năng sản xuất xăng dầu của Nhà máy.
Cũng trước thực trạng Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã đi vào sản xuất từ giữa năm 2018, giúp nguồn cung xăng dầu trong nước tăng lên, khiến có thời điểm cán cân cung cầu xăng dầu tại thị trường trong nước có tình trạng cung vượt cầu, khiến BSR không thể tiêu thụ sản phẩm xăng dầu ở thị trường nội địa.
Để đảm bảo NMLD Dung Quất được vận hành an toàn và liên tục, ngoài phương án tiêu thụ tối đa tại thị trường nội địa, BSR cũng phải có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Cụ thể, hàng năm BSR xuất khẩu khoảng 140.000-150.000 tấn dầu FO.
Tuy nhiên, sản phẩm lọc dầu của BSR khi xuất khẩu không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), nên phần thuế VAT này không được khấu trừ vào lại phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh. Điều này đã làm giảm lợi thế cạnh tranh cũng như bất lợi cho BSR trong quá trình kinh doanh.
Vì thế, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế VAT khi xuất khẩu, bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp từ BSR hay thông qua các đầu mối.
Ở một khía cạnh khác, BSR hiện không phải là thương nhân có giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu nên không thực hiện được việc tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu dầu thô theo quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Vì thế, BSR không thể bán lại các lô dầu thô đã mua từ nước ngoài chưa nhập khẩu vào Việt Nam.
Để giải quyết khó khăn nay, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP theo hướng, cho phép BSR bán lại các lô dầu thô mua từ nước ngoài trong trường hợp cấp bách khi bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, khi nhà máy có sự cố hỏng hóc, dừng vận hành hay không còn nhu cầu sử dụng.
Hiện cũng có tình huống BSR phải xuất khẩu dầu thô do Nhà máy dừng sản xuất thì mức thuế xuất khẩu dầu thô Bạch Hổ mà NMLD Dung Quất đã mua trước đó sẽ có thể được tính thêm một lần nữa cho BSR, dẫn tới khá năng BSR xuất khẩu không hiệu quả hoặc không thể xuất khẩu được.
Bởi vậy, đề giảm thiệt hại khi NMLD Dung Quất phải dừng khẩn cấp hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh Quảng Ngãi cũng mong Bộ Công thương kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét cho hoàn thuế hoặc khấu trừ thuế, đặc biệt với dầu thô Bạch Hổ khi BSR phải xuất khẩu, nhằm linh hoạt hơn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.