Đầu tư
Quảng Ngãi nuôi cá để kiểm định chất lượng nước thải tại Nhà máy Bột - Giấy VNT19
Nhiệt Băng - 30/01/2022 14:59
Quãng Ngãi sẽ nuôi cá kiểm định chất lượng nước thải sau xử lý tại Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa thống nhất không tổ chức tư vấn, phản biện và giám định xã hội toàn bộ Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 mà chỉ tiến hành tổ chức tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Bột - Giấy VNT19.

Trong đó, ông Minh yêu cầu chú trọng thực hiện đầy đủ các ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường các biện pháp quản lý sự cố môi trường đối với nhà máy này; đồng thời chú trọng việc phân tích, đánh giá, phản biện công nghệ xử lý nước thải, việc bố trí hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học, bể chỉ thị sinh học để nuôi cá kiểm định chất lượng nước thải sau xử lý, kênh quan trắc tự động, kênh quan trắc hở tại vị trí bơm vào đường ống dẫn ra biển… như đề nghị của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh.

Trước đó, ông Minh đã đồng ý cho Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh này chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan triển khai thực hiện việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội Dự án Nhà máy Bột-giấy VNT19.

Dự án Nhà máy Bột - giấy VNT19 từng gây nghi ngại về việc gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ cân bằng sinh thái. Đến nay, dự án gần như ngưng trệ và chưa triển khai hoàn thiện.

Dự án nhà máy Bột - giấy VNT19 do Công ty cổ phần Bột giấy VNT19 làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 31/3/2011, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại quyết định số 2270 (ngày 7/9/2015). 

Dự án có công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117ha, với tổng vốn đầu tư gần 9.900 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm. Theo dự kiến ban đầu, đến quý 4/2019, nhà máy này sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động.

Trong quá trình triển khai, Dự án Nhà máy Bột - giấy VNT19 được phát hiện đã nhập máy móc cũ từ một nhà máy ở Châu Âu về lắp ráp. Dự án còn có dự định xả thải ra vịnh Việt Thanh, một vịnh đẹp về du lịch của Quảng Ngãi. Đồng thời, dự án còn tính lấy 50ha rừng dừa nước ở xã Bình Phước để làm hồ cung cấp nước. Không những vậy, trong quá trình xây dựng, dự án đã làm san lấp nhiều hoa màu, đất đai của người dân…

Vào ngày 25/6/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi có báo cáo số 3685, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 tại Khu Kinh tế Dung Quất.

Cụ thể, theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt thì vị trí xả nước thải của Dự án là tại Vịnh Việt Thanh (huyện Bình Sơn), dự kiến cách bờ biển khoảng 500-1500m.

Tuy nhiên, các số liệu thông tin trong báo cáo ĐTM về khu vực xả thải (số liệu về địa hình, hệ sinh thái, chế độ thủy hải văn, các đối tượng bị tác động…) được chủ dự án điều tra, đánh giá sơ sài; chưa đánh giá sức chịu tải và khả năng tiếp nhận của nguồn tiếp nhận; đồng thời, trong báo cáo cũng chưa xây dựng các mô hình để tính toán mức độ lan truyền của dòng nước thải, các kịch bản khi sự cố nước thải vượt quy chuẩn xả thải ra ngoài môi trường… Từ đó, cho thấy chưa đảm bảo cơ sở khoa học để đánh giá mức độ tác động việc xả thải của nhà máy đến môi trường xung quanh.

Mặc dù Nhà máy Bột - Giấy VNT19 chưa chính thức đi vào hoạt động, chưa có hoạt động xả thải, nhưng qua sự kiện sự cố môi trường tại một dự án lớn ở miền Trung, chính quyền địa phương, người dân và cử tri huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ quan tâm, lo ngại về vấn đề xả thải của nhà máy sẽ ảnh hưởng, tác động đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân như thế nào; phạm vi, mức độ ảnh hưởng khi nhà máy để xảy ra sự cố môi trường, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi để xảy ra sự cố...

Để có cơ sở trả lời cho chính quyền địa phương, người dân và cử tri, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về các nội dung nêu trên; đồng thời xem xét, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cần thiết rà soát, đánh giá lại một số nội dung trong báo cáo ĐTM, để đảm bảo việc vận hành hoạt động của Nhà máy không gây ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường.

Tin liên quan
Tin khác