Đầu tư
Quảng Ngãi với cơ hội khai thác mỏ kim cương từ hạ tầng kết nối
Thanh Chung - 01/08/2022 12:03
Tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh là tuyến đường chiến lược giúp Quảng Ngãi khai thác quỹ đất “kim cương” ven biển, phát triển du lịch và chọn lựa thu hút những dự án đầu tư lớn.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt là Khu kinh tế Dung Quất

Con đường kết nối

Tỉnh Quảng Ngãi đã đề ra và thực hiện nhiều quyết sách quan trọng trong lĩnh vực quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối với Quốc lộ 1, Quốc lộ 24, Quốc lộ 24B, Quốc lộ 24C, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (tương lai sẽ kết nối với cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn); tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, Hoàng Sa - Dốc Sỏi, Trường Sa... sẽ là lực đẩy mạnh mẽ để Quảng Ngãi sớm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh nằm trong quy hoạch tuyến đường ven biển Việt Nam, nối với các đường ven biển của tỉnh Quảng Nam, Bình Định, nhằm gắn kết các tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Đối với Quảng Ngãi, tuyến đường này có vai trò tạo động lực mới để phát triển du lịch - dịch vụ - đô thị và nông, lâm nghiệp ven biển.

Đặc biệt, Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh sẽ mở ra cho Quảng Ngãi quỹ đất vàng ven biển mà bất cứ địa phương nào trên cả nước cũng mơ ước. Những bãi biển đẹp như tranh vẽ dọc ven biển Mộ Đức, Đức Phổ cùng với biển Mỹ Khê hiện tại sẽ thu hút các nhà đầu tư uy tín đến đánh thức tiềm năng du lịch của địa phương.

Hiện tại, quỹ đất ven biển miền Trung gần như đã cạn kiệt, nên khu vực dọc tuyến ven biển Quảng Ngãi là “mỏ kim cương” để địa phương chọn lựa thu hút những dự án đầu tư lớn. Yêu cầu quan trọng hiện nay là Quảng Ngãi phải lựa chọn được đơn vị tư vấn xứng tầm để có phương án quy hoạch tốt nhất, đồng thời quản lý quy hoạch chặt chẽ để khai thác hiệu quả “mỏ kim cương” này.

Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh có tổng chiều dài gần 100 km, với tổng mức đầu tư khoảng 5.700 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Đến nay, giai đoạn I (đoạn Dung Quất - Mỹ Khê, Mỹ Khê - Trà Khúc) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng chiều dài hơn 30 km, kinh phí thực hiện gần 1.500 tỷ đồng.

Giai đoạn II của Dự án (đoạn Trà Khúc - Sa Huỳnh) có chiều dài gần 70 km, đầu tư trong giai đoạn 2018 - 2025. Hiện nay, đang tổ chức triển khai thực hiện Dự án gồm giai đoạn IIa, thành phần 1 và giai đoạn IIb (đoạn phía Nam cầu Cổ Lũy - Đức Minh, tổng chiều dài tuyến 20 km, hoàn thiện cầu Quỳnh Lưu và cầu Châu Me Đông) thực hiện từ năm 2019 - 2024, với kinh phí gần 2.000 tỷ đồng;  đoạn từ Đức Minh đến ranh giới tỉnh Bình Định (dự kiến kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng) chưa tổ chức triển khai thực hiện.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi đang phối hợp với các địa phương tập trung giải phóng mặt bằng, đảm bảo có mặt bằng thi công, hoàn thành toàn tuyến Dung Quất - Sa Huỳnh trong năm 2025.

Ông Nguyễn Ngọc Cam, phụ trách Phòng Kế hoạch - Đầu tư thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho hay, tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh là tuyến xây dựng mới, có liên quan mật thiết với mạng lưới giao thông hiện tại trong khu vực và quy hoạch giao thông đã được phê duyệt đi qua địa bàn các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và TP. Quảng Ngãi.

“Hướng tuyến đi ven biển kết nối với các tỉnh Quảng Nam, Bình Định hình thành trục dọc ven biển sẽ gắn kết các vùng kinh tế trọng điểm ven biển miền Trung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, nâng cao đời sống nhân dân, củng cố an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường. Tuyến đường nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, định hướng đến năm 2030”, ông Nguyễn Ngọc Cam nói.

Động lực phát triển du lịch

Ông Nguyễn Đăng Lộc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi phân tích, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tiếp đến là cao tốc Quảng Ngãi - Hòa Nhơn giúp tăng cường kết nối, nhưng thuận lợi cho lưu thông hàng hóa hơn là cho lĩnh vực du lịch, do có ít điểm kết nối. Bởi vậy, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh được xây dựng hoàn thành sẽ trở thành tuyến đường chiến lược của tỉnh, tạo động lực phát triển rất nhanh, vì Quảng Ngãi có khoảng 130 km bờ biển.

“Nhưng hiện nay, tuyến đường ven biển gặp khó khăn về nguồn vốn, hiện mới đáp ứng để tổ chức triển khai thi công đoạn từ phía Nam cầu Cổ Lũy đến trung tâm huyện Mộ Đức; đoạn từ huyện Mộ Đức đến ranh giới tỉnh Bình Định còn gần 50 km chưa có nguồn vốn để triển khai. Nếu được Trung ương hỗ trợ, Quảng Ngãi sẽ sớm hoàn thành và phát triển nhanh chóng”, ông Nguyễn Đăng Lộc cho biết.

Theo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, hội đủ các điều kiện địa lý và tự nhiên thuận lợi cho đầu tư phát triển giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không đến các vùng, miền trong nước và quốc tế. Hạ tầng giao thông đã có bước phát triển mạnh, tuy nhiên, hệ thống vẫn còn nhiều hạn chế, đầu tư thiếu đồng bộ, chưa hiện đại, tính kết nối chưa cao. Đặc biệt, tại khu vực nông thôn, miền núi, công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên còn nhiều hạn chế, nhiều tuyến đường ở chất lượng thấp.

Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt hơn 38 triệu tấn, vận chuyển hành khách đạt 12 triệu lượt. Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ngãi sẽ hoàn thành các trục dọc chiến lược như tuyến đường bộ ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định; Quốc lộ 1, nâng cấp các trục ngang kết nối như Quốc lộ 24; Quốc lộ 24B… đạt quy mô tối thiểu đường cấp III…

Đồng thời, tỉnh sẽ phát triển hệ thống đường sắt đồng bộ về kết cấu hạ tầng; hình thành các ga đầu mối với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu kết nối đa phương thức trong dịch vụ vận tải logistics.

Mục tiêu đến năm 2050, Quảng Ngãi sẽ hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đồng bộ và hiện đại. Trong đó, xem xét đầu tư phát triển các đầu mối giao thông kết nối như hệ thống cảng biển, ga đường sắt, trung tâm logistics…

Xác định hạ tầng giao thông đóng vai trò động lực phát triển du lịch của tỉnh và kết nối với tuyến du lịch đường biển quốc tế, Quảng Ngãi định hướng sẽ hình thành trục giao thông kết hợp du lịch ven biển, đóng vai trò vừa là tuyến giao thông, vừa là sản phẩm du lịch; khai thác tiềm năng du lịch biển, hình thành các khu du lịch biển nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao biển… gắn với dịch vụ, bất động sản và kết nối với các đô thị.

Bên cạnh việc tiếp tục dồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các tuyến nằm trong hành lang kết nối quan trọng; những tuyến phá bỏ thế độc đạo nhằm tăng cường khả năng liên kết đường bộ từ trung tâm tỉnh đến trung tâm các huyện.

Cùng với đó, Quảng Ngãi đang từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ hóa các tuyến trục giao thông, nút giao thông đô thị, hiện đại hóa mạng lưới đường nội thị gắn với chỉnh trang đô thị, kết hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.

Quyết liệt thực hiện những giải pháp đồng bộ, Quảng Ngãi sẽ đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trong chuyến kiểm tra tiến độ Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh là dự án rất quan trọng. Sau khi đưa Dự án vào khai thác, sẽ có một dư địa rất lớn, không chỉ để phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương phía Đông tỉnh Quảng Ngãi, mà còn phục vụ công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đồng thời, tuyến này cũng là một trục giao thông Bắc - Nam ở phía Đông để chia sẻ lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 đang quá tải.

“Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng này, tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (đoạn Nghĩa Phú - Đức Chánh) trong năm 2024”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.
Tin liên quan
Tin khác