Lập kỷ lục mới
Phát biểu tại lễ công bố chỉ số PCI 2022, ông Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã vui mừng chia sẻ: “Quảng Ninh một lần nữa rất vinh dự, tự hào và vô cùng phấn khởi khi tiếp tục nhận được 'tập hợp tiếng nói khách quan', niềm tin, sự ghi nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của chính quyền địa phương”.
Quảng Ninh không chỉ là địa phương duy nhất trong cả nước đến nay 6 năm liên tiếp (từ 2017 – 2022) giữ vị trí Quán quân PCI, mà còn 10 năm liền (từ năm 2013 - 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Duy trì tính liên tục trong suốt 10 năm qua, chỉ số PCI của Quảng Ninh hàm chứa trong đó là lòng tin chiến lược của nhà đầu tư, của doanh nghiệp.
Năm 2022 là năm thứ 6 liên tiếp, Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng PCI. |
“Đối với Quảng Ninh, chỉ số PCI có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, bởi trong suốt một thập kỷ qua cũng là giai đoạn tỉnh Quảng Ninh thực hiện thành công các đột phá, phát triển toàn diện, ổn định. Trong đó, liên tục trong 7 năm (2016 - 2022) có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%, riêng năm 2022 tăng trưởng GRDP đạt 10,28%, quy mô GRDP của tỉnh đạt gần 270.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc), tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa luôn đứng trong TOP đầu cả nước. Quý I/2023 dù trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức Quảng Ninh vẫn giữ vững đà tăng trưởng GRDP 8,06% của địa phương là một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc”, ông Ký chia sẻ.
Báo cáo đánh giá chỉ số PCI năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra: Quảng Ninh tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu là nhờ có nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Đó là sự thành công của Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh); của việc xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại ở cấp xã tiếp tục được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Bảng xếp hạng PCI năm 2022. Nguồn: PCI Việt Nam. |
Trong khảo sát PCI 2022, 93% ý kiến đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”. Đặc biệt, 78% doanh nghiệp đánh giá “giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt” và 69% doanh nghiệp nhận định “giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt”.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, sau các kiến nghị, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng nắm bắt và có những sự điều chỉnh hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp. Như năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã giảm được 41 cuộc thanh tra, 361 cuộc kiểm tra, 135 cuộc kiểm tra liên ngành đối với doanh nghiệp. Đây chỉ là một trong những yếu tố để Quảng Ninh tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao, và duy trì vị thế dẫn đầu.
Áp lực phải vượt qua chính mình
Tuy là năm thứ 6 đứng đầu PCI của cả nước, song phải thẳng thắn nhìn nhận lại rằng, đây là năm thứ 3, tổng điểm của Quảng Ninh có sự sụt giảm. Nếu năm 2020, tổng điểm PCI của địa phương này là 75,09 thì đến năm 2021, giảm 2,07 điểm (đạt 73,02); năm 2022 tiếp tục có sự giảm nhẹ - đạt 72,95 điểm.
Thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định rằng: “PCI là một trong các chỉ số quan trọng nhất để cộng đồng doanh nghiệp đánh giá sự năng động, sáng tạo của chính quyền, cũng như những phương thức hoạt động hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp của địa phương đó có hiệu quả đến đâu. Kết quả của từng chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI là sự phản ảnh mức độ hài lòng của doanh nghiệp với chính quyền”.
Kết quả các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI 2022 của Quảng Ninh. Nguồn: PCI Việt Nam. |
Tuy nhiên, theo ông Thể, mặc dù đứng đầu nhưng số điểm lại thấp hơn năm trước. Điều này cho thấy, yêu cầu của động đồng doanh nghiệp với sự điều hành của chính quyền tỉnh Quảng Ninh ngày càng cao hơn, cũng như mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cơ quan quản lý.
Phân tích kết quả PCI năm 2022 của Quảng Ninh cho thấy, có 6/10 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2021 (gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp); trong đó giảm mạnh nhất là chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp (giảm từ 7,39 điểm xuống còn 6,24 điểm). Trong số 4 chỉ số tăng điểm thì chỉ số đào tạo lao động cuả Quảng Ninh lần đầu tiên đã vươn lên dẫn đầu, với 7,67 điểm.
Như ông Ký đã khẳng định, “Chỉ số PCI được công bố là những 'con số biết nói', ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy bởi các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực, nhưng tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người”. Đó đó, để Quảng Ninh tiếp tục khẳng định thương hiệu là “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công” thì trên hành trình cải cách, những nỗ lực phải đến hằng ngày, không tự chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được. Đó cũng chính là áp lực phải vượt qua chính mình để không chỉ giữ vững vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng mà còn cải thiện tổng điểm cũng như từng chỉ số thành phần.