Trong số 13.418 tỷ đồng thì nguồn vốn ngân sách trung ương là trên 557 tỷ đồng, dự kiến phân bổ cho dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1).
Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh là trên 9.835 tỷ đồng sẽ phân bổ hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối theo tiêu chí chấm điểm.
Cụ thể, gần 787 tỷ đồng cho vốn chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế-xã hội bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.
Vốn chuẩn bị đầu tư thực hiện quy hoạch là 20 tỷ đồng; trên 310 tỷ đồng cho các dự án hoàn thành; trên 5.639 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp; 2.079 tỷ đồng cho các dự án dự kiến khởi công mới năm 2025.
Ngoài ra, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh, nguồn vốn điều chỉnh, phân bổ là trên 2.786 tỷ đồng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh còn lại chưa phân bổ.
Đường dẫn cầu Bến Rừng đã đi vào khai thác từ ngày 17/7 |
Theo đó, nguồn vốn điều chỉnh được phân bổ cho 6 dự án hoàn thành, quyết toán, dự án theo hình thức đối tác công tư với số tiền trên 48 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng bổ sung danh mục và kế hoạch đầu tư công trung hạn cho 15 dự án, chương trình khởi công mới 2024-2025 với số tiền là gần 2.738 tỷ đồng.
Đối với nguồn vốn bổ sung kế hoạch đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh năm 2024 là trên 1.557 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn trung ương thưởng vượt thu năm 2022 là 42 tỷ đồng; nguồn cơ cấu lại nhiệm vụ chi thường xuyên chuyển sang chi đầu tư trên 1.515 tỷ đồng.
Theo thông tin tại Kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh mới đây, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là hơn 15.130 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2024, tỉnh Quảng Ninh đã giải ngân được hơn 3.271 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch HĐND giao (14.280 tỷ đồng).
Trong đó, TP. Hạ Long mới giải ngân được 387 tỷ đồng, đạt 12,5% so với kế hoạch giao cả năm (3.096 tỷ đồng, TP. Cẩm Phả 13 tỷ đồng, đạt 2,9% so với kế hoạch (460 tỷ đồng), TP. Móng Cái 102 tỷ đồng, đạt 16,7% so với kế hoạch (612 tỷ đồng), huyện Hải Hà 73 tỷ đồng, đạt 16% so với kế hoạch (457 tỷ đồng).
Nút giao Đầm Nhà Mạc thi công trở lại sau khi những khó khăn đã được tháo gỡ. Ảnh: Đỗ Phương |
Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm đã được các cấp, các ngành chỉ ra như vướng mắc về nguồn vật liệu san lấp, gia cố nền móng, giải phóng mặt bằng.
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan cần chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, đánh giá hiệu quả thực hiện hàng tuần/tháng/quý và cả năm 2024.
Đề cao trách nhiệm nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân. Chủ động triển khai, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, giải ngân vốn đầu tư công kịp thời, hiệu quả đúng quy định.
Cùng với đó, cần nhanh chóng hoàn thành Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.