Ảnh minh hoạ |
Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích chùa Quỳnh Lâm được thực hiện với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều; bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, khoa học của di tích; phục vụ phát triển du lịch văn hóa gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân và du khách.
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 163 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Kiến trúc trung tâm gồm tiền đường, trung đường, hậu đường và hành lang với tổng diện tích xây dựng 3.720 m2; tam quan có mặt bằng hình chữ nhật; nhà che bia có mặt bằng hình vuông; nhà trưng bày và công trình phụ trợ, hệ thống sân vườn…
Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng ở sườn Tây-Nam núi Tiên Du (Tiên Du Sơn), nay nằm giữa hai thôn Yên Sinh và Hà Nôi, xã Tràng An. Chùa do Quốc sư Nguyễn Minh Không xây dựng dưới thời vua Lý Thần Tông (1116-1138).
Tại đây, ngoài việc xây dựng các kiến trúc quy mô to lớn, Quốc sư Nguyễn Minh Không đã cho đúc một pho tượng Phật tổ Di Lặc rất lớn và là một trong "An Nam tứ đại khí" của nước Nam.
Thời Trần, dưới sự trụ trì của Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, chùa Quỳnh Lâm trở thành trung tâm đào tạo tăng tài quan trọng bậc nhất của tông phái Trúc Lâm. Tại đây, năm 1317, Pháp Loa xây dựng và mở rộng chùa thành Tự viện Quỳnh Lâm với khu chùa, khu học đường, thư viện... và là nơi tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn.
Năm 1325, Pháp Loa cho xây dựng 2 tòa tháp để tôn trí xá lị của vua Trần Nhân Tông và cho đúc pho tượng Di Lặc cao khoảng 4,8m.
Dưới thời Trần, chùa Quỳnh Lâm không chỉ là một trung tâm Phật giáo mà còn là một đại danh thắng, nơi các vương hầu, quý tộc nhà Trần thường xuyên lui tới vãn cảnh và lễ Phật. Quỳnh Lâm cũng là nơi lưu giữ nhiều sách quý của Phật giáo.
Đầu thế kỷ 15, giặc Minh vào xâm chiếm nước ta đã tàn phá Tự viện Quỳnh Lâm, tượng Di Lặc cũng bị phá hủy. Đó là nguyên do dấu tích Tự viên Quỳnh Lâm to lớn thời Trần đến nay chỉ còn là những phế tích nằm sâu dưới lòng đất.