Chủ trương trên đã được ông Đỗ Thông, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh thể hiện rõ tại buổi làm việc với đại diện 2 doanh nghiệp trên và Đoàn kiểm tra của Bộ Xây dựng về các dự án xi măng trên địa bàn tỉnh dự kiến vận hành năm 2014, 2015 và đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.
| ||
Sản xuất xi măng là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Ảnh: Hà Thanh |
Không những thế, theo ông Đỗ Thông, sắp tới, địa phương sẽ kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tạm dừng triển khai giai đoạn II của Nhà máy Xi măng Thăng Long 2 và Nhà máy Xi măng Hạ Long tại vị trí cũ để chuyển địa điểm đến phía Bắc TP. Hạ Long.
Lộ trình đến năm 2030 sẽ dừng hoạt động giai đoạn I, di chuyển toàn bộ đến phía Bắc đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái.
Theo khuyến cáo của đơn vị tư vấn và các chuyên gia tại Quy hoạch Xây dựng vùng tỉnh cả 2 nhà máy này đang là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường vùng Vịnh Hạ Long. Vì vậy, để đảm bảo tính chiến lược lâu dài và đảm bảo môi trường, nên di chuyển 2 nhà máy đến địa điểm phù hợp hơn.
Nhà máy Xi măng Thăng Long và Hạ Long hiện là 2 trong số những dự án xi măng lớn đang hoạt động tại Quảng Ninh. Dây chuyền 1 của Xi măng Hạ Long có công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm, được đầu tư 6.000 tỷ đồng, gồm cả trạm nghiền đặt tại Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Hiện tại, dây chuyền 1 của Nhà máy hoạt động đạt 100% công suất, trong đó gần 50% sản lượng xuất khẩu sang Indonesia.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Quảng, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long 2 cho biết, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Công ty muốn tỉnh cho phép xây dựng giai đoạn II tại vị trí cũ như kế hoạch ban đầu. Bởi khi xây dựng dây chuyền 1, Công ty đã đầu tư một phần hạ tầng dây chuyền 2.
Đối với giai đoạn II, Công ty đang triển khai xây dựng đã hoàn thành xong việc thăm dò, đánh giá trữ lượng, đang lập dự án và đánh giá tác động môi trường và làm các thủ tục khai thác mỏ khoáng sản. Tổng vốn đầu tư cho dây chuyền 2 tại vị trí cũ hiện đã lên tới 1.500 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long là một trong những doanh nghiệp lớn của ngành xi măng. Cuối năm 2012, Tập đoàn Semen Indonesia đã trở thành cổ đông chiến lược của Công ty, với tỷ lệ nắm giữ 70%. Sự tham gia của Semen Indonesia đã đưa Xi măng Thăng Long trở thành một công ty có sự gia tăng mạnh mẽ về năng lực tài chính (vốn điều lệ tăng từ 1.750 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng).
Nhà máy Xi măng Hạ Long được đầu tư bởi Tập đoàn Sông Đà và các cổ đông, như Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC)… đi vào hoạt động năm 2010. Nhà máy có công suất tương đương 2,07 triệu tấn xi măng PCB40/năm cho giai đoạn I và trên 2 triệu tấn xi măng PCB40/năm cho giai đoạn II, gồm nhà máy chính đặt tại xã Thống Nhất (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) và trạm nghiền phía Nam công suất 1,22 triệu tấn xi măng/năm đặt tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Tổng mức đầu tư của Dự án là 6.468 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không giống như Thăng Long, Xi măng Hạ Long đang làm ăn thua lỗ và lún sâu vào nợ nần. Doanh nghiệp này cũng từ chối trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư về việc không được đầu tư dây chuyền 2 tại vị trí nhà máy hiện có dây chuyền 1 đang hoạt động.
Thực tế, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, cả hai nhà máy ximăng đều ảnh hưởng tới môi trường sống, dẫn đến khiếu nại của nhân dân về môi trường, giao thông khu vực xung quanh hai nhà máy.
Liên quan đến việc UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trương di dời địa điểm đầu tư dây chuyền 2 của 2 nhà máy xi măng kể trên, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, thời điểm này, Bộ Xây dựng chưa nhận được công văn chính thức từ tỉnh Quảng Ninh.
Hải Yến