Dịp Tết Bính Thân năm 2016, Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn có đăng tải bài viết về Quảng Ninh với tiêu đề “Quảng Ninh - Cánh cửa đang rộng mở”. Sau 1 năm nhìn lại, thực sự Quảng Ninh đã đón ngọn gió lành khi những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương thu được thật đáng tự hào.
Biến thách thức thành cơ hội
Quảng Ninh đã tiếp tục vượt qua nhiều thách thức, tạo ra nhiều cơ hội để làm mới mình từ lượng đến chất. Cái thời nhắc đến Quảng Ninh là nghĩ ngay đến than cũng đã qua. Giờ đây, than vẫn còn, nhưng “vàng đen” không là tất cả, bởi than không còn giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.
Vòng quay Mặt Trời góp phần đưa Hạ Long thành thành phố du lịch hấp dẫn hơn với du khách. Ảnh: Đỗ Phương |
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, năm 2016, ngành than đã phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức lớn. Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng than trong nước giảm, than nhập khẩu lại rẻ hơn, kéo theo sự sụt giảm mạnh về sản lượng.
Tính ra, sản lượng than tiêu thụ trong nước đã giảm hơn 3 triệu tấn so với cùng kỳ 2015. Lượng hàng tồn kho lên đến hơn 10 triệu tấn. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Ninh và đời sống, việc làm của trên 10 vạn công nhân ngành than đang sinh sống tại tỉnh.
Thực ra, câu chuyện ngành than gặp khó khăn đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhìn thấy từ lâu. Bởi thế, giai đoạn 2010 - 2015 là giai đoạn mà Quảng Ninh có sự chuyển mình mạnh mẽ nhất về cơ cấu kinh tế. Đó là sự chuyển về chất - từ “nâu” sang “xanh”, đưa du lịch - dịch vụ trở thành ngành mũi nhọn thay thế dần vị trí của ngành than. Tỷ trọng dịch vụ đã tăng từ 39,3% năm 2010 lên 43,4% vào năm 2015. Tỷ trọng công nghiệp giảm từ 53,4% năm 2010 xuống 50,6% vào năm 2015.
Nếu ở một số địa phương khác có sự thuận lợi hơn về vị trí địa lý, thì có lẽ sự thay đổi này sẽ dễ dàng hơn, nhưng với Quảng Ninh, điều đó không hề đơn giản. Chưa kể, hạ tầng giao thông đã từng là bức tường lớn ngáng chân nhà đầu tư đến với địa phương này.
Song trong khó khăn, thách thức, vẫn xuất hiện những cơ hội và Quảng Ninh đã nhanh nhạy nắm bắt được để kinh tế - xã hội của tỉnh khởi sắc như hôm nay.
Việc làm sao thu hút được nguồn lực đầu tư từ tư nhân để đánh thức những tiềm năng, lợi thế đang ngủ quên của Quảng Ninh luôn là mối trăn trở, là sự quyết đoán và cả sự chấp nhận rủi ro của đội ngũ lãnh đạo. Chỉ một ví dụ như chuyện Quảng Ninh ban hành quy định siết chặt quản lý tuổi tàu du lịch (dưới mức thời gian được Bộ Giao thông – Vận tải cho phép) để đảm bảo an toàn cho du khách, giữ gìn thương hiệu du lịch Quảng Ninh cũng đã phần nào cho thấy điều đó.
Nhiều giải pháp khác đã được Quảng Ninh đưa vào áp dụng thành công. Từ việc xây dựng và vận hành trung tâm hành chính công, đến huy động vốn bằng cách hợp tác công - tư... đã cho thấy một Quảng Ninh năng động và không ngại đổi mới. Nhưng trên hết, Quảng Ninh đã cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhận thấy sự đồng hành thực sự của tỉnh.
Câu chuyện Quảng Ninh thành lập các tổ công tác hỗ trợ theo từng dự án đầu tư đã trở nên quen thuộc với nhà đầu tư. Nhờ đó, doanh nghiệp hoàn thiện và nhận giấy chứng nhận đầu tư rất nhanh. Dự án Tổ hợp cảng biển và Khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc có tổng vốn đầu tư hơn 6.940 tỷ đồng của các nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế CDC (Cayman Islands), Công ty TNHH Tiện ích Trung Đông (Singapore) và Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng Á châu Hồng Kông là một ví dụ điển hình.
Hay như việc Quảng Ninh nhờ chính cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư “khám bệnh” cho mình thông qua bộ Chỉ số Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) cũng là một cách làm rất riêng và rất mới của tỉnh.
Đổi mới một cách tích cực, sáng tạo, hiệu quả, cùng với đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là những điều mà lãnh đạo Quảng Ninh đã làm được.
Đón ngọn gió lành
Trong những năm gần đây, tỷ trọng đầu tư công của tỉnh đã giảm dần, từ 60% năm 2010 xuống 37% năm 2015, đầu tư nước ngoài tăng từ 5% lên 30%, đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục tăng và chiếm tới 33% tổng vốn đầu tư. Kết quả 190.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ các nguồn lực xã hội huy động trong giai đoạn 2010 - 2015 là thành công lớn mà Quảng Ninh đạt được.
Riêng năm 2016, con số trên đạt 54.430 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2015. Điều này có được chính là nhờ cách làm lấy đầu tư công làm vốn mồi. Như ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn nói, bỏ ra 1 đồng ngân sách vốn “mồi” phải thu được 8 đồng ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, giao thông, du lịch...
Nói đi đôi với làm, nhờ đó mà hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã dần hoàn thiện một cách đồng bộ. Đường hàng không, đường biển, đường bộ đã và sẽ đủ cả. Cảng hàng không Quảng Ninh sẽ nâng cánh cho Vân Đồn phát triển. Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Mông Dương nối liền mọi vùng đất của Quảng Ninh với các địa phương khác.
Giờ đây, cánh cửa giao thương của Quảng Ninh rộng mở hơn lúc nào hết. Các nhà đầu tư chiến lược tìm về với Quảng Ninh ngày càng nhiều. Mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh” càng nhiều cơ hội thành công gắn với sự phát triển nhanh, bền vững, bởi các nhà đầu tư như Vingroup, SunGroup, Rent A Port, Texhong,... không chỉ thực hiện một, mà là nhiều dự án tại Quảng Ninh.
Không chỉ các nhà đầu tư từ bên ngoài, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đang thực hiện những dự án hứa hẹn mang lại lợi ích lớn. Đó là Qunimex với Khu trung tâm văn hóa lễ hội và dịch vụ du lịch tại khu vực bến xe Giải Oan. Là Indevco với Dự án Công viên nghĩa trang An Lạc, Dự án Trung tâm xử lý chất thải rắn, trồng cây ăn quả, rau sạch chất lượng cao và công viên cây xanh. Rồi nhiều dự án lớn mang tính động lực đang được triển khai như Cảng hàng không Quảng Ninh, Dự án Tổ hợp cảng biển và Khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc, Dự án Khu công nghiệp Sông Khoai... Tất cả sẽ mang lại động lực phát triển mới cho Quảng Ninh.
Nói về thành công của Quảng Ninh trong năm 2016 thì rất nhiều, nhưng có lẽ thành quả lớn và đáng tự hào nhất đối với Quảng Ninh chính là việc Chính phủ đã thống nhất về nguyên tắc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Đó là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị kéo dài hơn 6 năm. Dự kiến trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2017 tới, Đề án Xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn sẽ được trình để Quốc hội xem xét, thông qua. Vậy là nút thắt về thể chế cho Quảng Ninh - vốn là vấn đề mà ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh luôn trăn trở từ khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh, đã có cơ sở vững chắc để tháo gỡ.
Những con số ấn tượng của năm 2016 đang làm ấm lòng người dân đất mỏ. Thu ngân sách tăng 15 % so với cùng kỳ, đạt 38.385 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa tăng mạnh, gần 28%, đạt 25.138 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 11% - cao nhất từ trước đến nay. Thu nhập bình quân của người dân Quảng Ninh đạt trên 4.000 USD/người/năm. Với tiền đề này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã tự tin đề ra mục tiêu lớn hơn cho năm 2017. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế phải duy trì hai con số và thu nội địa là 26.400 tỷ đồng.
Vui mừng và tự tin là vậy. Song, lãnh đạo Quảng Ninh chưa hết trăn trở khi vẫn còn tới 22 xã và 11 thôn trong tỉnh chưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, chưa thoát khỏi Chương trình 135. Bởi vậy, trong quyết định phân bổ nguồn lực đầu tư năm 2017, Quảng Ninh sẽ dành 200 tỷ đồng từ ngân sách, cộng với 200 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để đầu tư trọng điểm cho các xã, thôn này. Chắc hẳn với thông tin trên, chính quyền và người dân các xã, thôn còn khó khăn sẽ có thêm niềm vui mới đón Tết Đinh Dậu, đồng thời vững tâm hơn để đưa xã, thôn mình thoát nghèo bền vững.
Đến với Quảng Ninh những ngày này, sắc xuân đã tràn ngập đường phố, bản làng. Sự xuất hiện ngày càng nhiều công trình lớn, hoành tráng, lễ khai trương Cung quy hoạch, Hội chợ triễn lãm và Văn hoá, Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2017, Hội hoa Xuân Đinh Dậu 2017... đã mang Tết về gần hơn cho mọi nhà. Diện mạo Quảng Ninh ngày càng thay đổi theo hướng văn minh hơn, hiện đại hơn.