Thời sự
Quảng Ninh - cánh cửa đang rộng mở
Thanh Tân - Thu Lê - 11/02/2016 18:54
Không còn rào cản về tư duy quản lý, cơ chế chính sách, những hạn chế về hạ tầng giao thông cũng đang dần được tháo gỡ… Mọi cánh cửa để bè bạn, nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với Quảng Ninh (và ngược lại) đều đang rộng mở…
TIN LIÊN QUAN

Chân giá trị

Mới đây, trong buổi gặp gỡ với cán bộ ngành Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã rất hồ hởi khi nói về kết quả tăng trưởng kinh tế đáng tự hào của tỉnh trong năm qua. Thật thế, khi mà đợt mưa lũ lịch sử hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2015 để lại những thiệt hại không hề nhỏ, thì tỉnh Quảng Ninh vẫn vững bước, vượt qua khó khăn và tiếp tục gặt hái những hoa thơm, quả ngọt. Bức tranh kinh tế - xã hội vẫn mang nhiều màu sắc rực rỡ.

Năm 2015, tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt 11% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nội địa cũng ở mức cao nhất - đạt gần 20.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao đến 3.900 tỷ đồng.

Nhiều tập đoàn mạnh như Vingroup đã đầu tư lớn tại Quảng Ninh, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho địa phương

Thiên tai đã không làm rệu rã được lòng người. Đó chỉ là những phép thử với Quảng Ninh mà thôi. Một khi nền móng đã vững chắc, thì những yếu tố tác động khác chỉ làm cho ý chí, lòng quyết tâm của nhân dân tỉnh Quảng Ninh thêm dâng trào. Để từ đó, làm điểm tựa phát triển kinh tế - xã hội nơi đây.

Có một yếu tố mà lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã nhận thấy, khai thác, phát huy rất tốt, đó là sức dân. Thật vậy, vấn đề đặt ra, ai cũng thấy, đó là muốn phát triển thì phải có tiền, phải có vốn. Nói thì dễ, nhưng khi làm, đâu phải cứ muốn là được. Nhưng với Quảng Ninh, vấn đề tưởng rất khó đó lại được giải quyết rất ổn thỏa. Hiện Quảng Ninh đang xây dựng những tuyến đường cao tốc, sân bay, cơ sở hạ tầng... với số vốn cần lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Không làm được ngay một lúc, nhưng Quảng Ninh vẫn đang triển khai từng bước, đồng bộ và đúng kế hoạch.

Ông Nguyễn Đức Long bảo, phải sử dụng làm sao để khi ta chi một đồng vốn đầu tư từ ngân sách thì phải kéo theo được mười đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách. Không được lãng phí. Và trên thực tế thì Quảng Ninh đã và đang làm rất tốt. Tổng nguồn vốn ngân sách chi cho đầu tư phát triển năm qua đã chiếm đến 53% tổng chi ngân sách của Quảng Ninh. Nhưng cũng từ “vốn mồi” đó, 51.500 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đã “vào” với Quảng Ninh. Và giờ đây, Quảng Ninh đang trở thành đại công trường của những dự án nghìn tỷ.

Đó là các dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (6.400 tỷ đồng), cầu Bạch Đằng (7.600 tỷ đồng), Cảng hàng không Quảng Ninh (6.759 tỷ đồng), rồi đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương (10.062 tỷ đồng), hay trụ sở liên cơ quan số 3, số 4 (809,5 tỷ đồng), nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ thuộc Trung tâm Thể thao vùng Đông Bắc (1.150 tỷ đồng)... Nhiều công trình tiện ích xã hội phục vụ nhu cầu của người dân và du khách cũng được xây dựng, như Trường đại học Hạ Long, Bệnh viện Vinmec, bảo tàng, khu vui chơi, trung tâm thương mại...

Vậy là những đồng vốn ngân sách đã được chi đúng chỗ. Mặc dù đôi lúc, chỗ này, chỗ kia vẫn còn đâu đó sự lơ là, chưa thật sự hiệu quả. Nhưng người dân, cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương luôn tin vào sự chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt của các cơ quan quản lý. Bởi như lãnh đạo tỉnh đã chia sẻ, “chúng tôi luôn hiểu rằng, mỗi đồng vốn đều là mồ hôi, công sức, đôi khi cả nước mắt của những người tạo ra nó”. Chính vì thế, nguyên tắc đã là bắt buộc: những dự án đầu tư thuộc nhóm B, C buộc phải thực hiện xong trong vòng 1 năm và đưa vào sử dụng. Nên Quảng Ninh giờ đây đang “thay da, đổi thịt” từng ngày.

Đường lớn đã mở...

Còn nhớ, cách đây một năm rưỡi, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư tỉnh Ủy Quảng Ninh, khi đó còn là Chủ tịch UBND tỉnh, đã khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Hội nghị Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Ninh rằng: “Quảng Ninh phải gỡ được nút thắt thể chế để thu hút đầu tư, có như thế mới phát triển được”. Nói thì đơn giản thế, nhưng để làm được điều này và mang lại hiệu quả như đã thấy thì tập thể lãnh đạo của tỉnh đã phải “vắt mình”, trăn trở và quyết đoán lắm.

Đầu tiên là từ công tác cán bộ. Quảng Ninh là địa phương duy nhất và đầu tiên trong cả nước đề xuất, lập đề án và được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm việc nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo quản lý cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp. Và sau đó, đã là những thành công bước đầu: Tổ chức với Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra, Tuyên giáo với Thông tin - Truyền thông, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc... Rồi đến việc Quảng Ninh lại là địa phương đầu tiên xây dựng mô hình trung tâm hành chính công, hướng tới việc áp dụng các mô hình quản lý “Lãnh đạo công - Quản trị tư”. Tiếp đến là “Đầu tư công - Quản lý tư”, “Đầu tư tư - Sử dụng công”..., nhằm xây dựng, vận hành các thiết chế kinh tế, văn hóa - giáo dục, phục vụ công cộng và mở rộng không gian huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển.

Đã không ít lần từng nghe từ người dân, doanh nghiệp nói rằng, lãnh đạo Quảng Ninh làm việc gần như không có ngày nghỉ. Hay từng thấy, lãnh đạo tỉnh sẵn sàng tiếp doanh nghiệp ngoài giờ hành chính để lắng nghe những khúc mắc, tháo gỡ khó khăn, giải quyết ngay những vấn đề của họ. Một bộ máy làm việc hết mình như thế, với một định hướng, chiến lược rõ ràng như thế, thì thành công chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Hay như trong xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển của tỉnh, Quảng Ninh đã mạnh dạn, biết chọn lựa, đặt niềm tin vào những đơn vị tư vấn uy tín trên thế giới và những chuyên gia đầu ngành trong nước. Song song đó, Quảng Ninh vẫn tiếp tục triển khai, áp dụng những cơ chế mới cho địa phương bởi thành công đã được kiểm chứng từ những “thí điểm”, “đầu tiên” mà tỉnh đã tạo nên.

Thật vậy, chưa ở đâu như Quảng Ninh được Trung ương giao làm chủ đầu tư một dự án BOT: dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và tự cân đối vốn. Ông Nguyễn Đức Long cho biết, tỉnh đã và sẽ tính toán để hàng năm bố trí được (tối thiểu) 1.500 tỷ đồng vốn đối ứng để thực hiện dự án này. Nói luôn đi đôi với làm, nên theo đúng tiến độ, chỉ còn khoảng một năm nữa thôi - đến cuối năm Bính Thân này, con đường ý nghĩa do chính tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư này sẽ được thông xe, tiếp tục mở những cơ hội mới cho mảnh đất này.

Với Quảng Ninh, việc luôn chủ động tạo ra những cơ chế, chính sách ưu đãi riêng phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là một đòi hỏi, công việc quan trọng của những người lãnh đạo. Và tất cả, đều hướng tới, nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước đến với Quảng Ninh. Để Quảng Ninh thực sự vươn mình, sánh vai, cùng cả nước phát triển, đi lên.

... đi tới tương lai

Ông Neerav Kumar Gupta (Ấn Độ), Tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Tiền Phong, chủ đầu tư thực hiện Dự án KCN - Cảng Nam Tiền Phong tại Quảng Ninh, sau một lần làm việc với lãnh đạo Quảng Ninh về dự án làm sạch môi trường Vịnh Hạ Long đã vui vẻ chia sẻ với chúng tôi rằng: “Làm việc ở Quảng Ninh tôi thấy thoải mái lắm. Hồ sơ dự án của chúng tôi được giải quyết rất nhanh chóng. Những thắc mắc của chúng tôi được trực tiếp lãnh đạo tỉnh lắng nghe và chỉ đạo giải quyết”.

Nhưng đó chỉ là một ví dụ. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kể cả các tập đoàn kinh tế lớn trong nước, như Vingroup, Sungroup đã chọn Quảng Ninh là nơi “đánh dấu con đường Bắc tiến” cho kế hoạch đầu tư, kinh doanh của mình. Tất cả họ đều hài lòng với sự “hiếu khách” của Quảng Ninh.

Có chủ nhà hiếu khách, trọng thị, thì khách quý cũng sẽ năng lui, năng tới. Họ đến không chỉ để đầu tư, để khai thác những lợi thế của mảnh đất này để làm giàu cho mình, mà còn đến để thực hiện trách nhiệm xã hội với địa phương, với người dân nơi đây. Bởi họ hiểu, cho cũng là nhận và ngược lại, biết nhận thì cũng phải biết cho.

Đó chính là “tâm” của những doanh nghiệp có “tầm”. Tập đoàn Rent A Port, doanh nghiệp góp vốn thực hiện Dự án KCN - Cảng Nam Tiền Phong đang thực hiện đề án nghiên cứu làm sạch môi trường Vịnh Hạ Long và kêu gọi vốn ODA của các nước để thực hiện dự án này. Hay Sungroup cũng đã đầu tư cải tạo, nâng tầm bãi tắm công cộng, khu vui chơi tầm cỡ tại Khu du lịch Bãi Cháy để trả lại cho người dân Quảng Ninh và du khách “cái mà họ có quyền được hưởng”... Đây cũng là khía cạnh nhân văn của sự phát triển bền vững mà Quảng Ninh cũng như cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hướng tới.

Tương lai đang được chung tay dựng xây bởi người dân, bởi các nhà đầu tư và cộng đồng xã hội, bạn bè, những người luôn hướng về Quảng Ninh. Không còn những rào cản như hạ tầng giao thông không đồng bộ, thiếu tính kết nối; cơ chế chính sách không mở, thiếu hỗ trợ; thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo..., Quảng Ninh giờ đây đã hội tụ đủ mọi điều kiện để tiếp tục phát triển hơn nữa, để cất cánh.

Và với sự nỗ lực, cũng như sự cầu thị của lãnh đạo tỉnh thì có thể tin tưởng rằng, trong một tương lai rất gần, người dân Quảng Ninh và du khách, nhà đầu tư sẽ thấy một Quảng Ninh - một Việt Nam thu nhỏ - đúng là nơi ước đến, chốn mong về. Và nụ cười Hạ Long sẽ không chỉ là của người dân nơi đây mà còn luôn nở tươi, thắm đượm trên môi của bạn bè quốc tế...

Tin liên quan
Tin khác