Điểm nóng
Quảng Ninh phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 3
Thu Lê - 12/03/2019 17:01
Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh (Sở NN&PTNT), tính đến 14 giờ ngày 12/3/2019, toàn tỉnh đã phát hiện 3 ổ dịch với 106 con lợn bị bệnh buộc chôn hủy, với tổng trọng lượng là 2.844 kg.

Nguy cơ bùng phát rộng

Cụ thể, ngày 08/3/2019 đã phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại hộ bà Nguyễn Thị Làn, thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều. Số lợn ốm và tiêu hủy là 14 con (2 lợn nái, 12 lợn thịt), tổng trọng lượng là 1.390 kg. Hiện tại, trên địa bàn xã Yên Đức không phát sinh thêm hộ có lợn ốm, chết.

Đến ngày 11/3/2019, phát sinh ổ dịch mới tại hộ Nguyễn Thị Vân, thôn Bắc Mã 1, xã Bình Dương, thị xã Đông Triều. Đàn lợn bị nhiễm bệnh có số lượng là 53 con lợn thịt, với tổng trọng lượng 869 kg.

Cũng cùng ngày, ổ dịch thứ 3 được phát hiện là tại hộ chăn nuôi của ông Bùi văn Đăng, thôn 2, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà. Tổng đàn là 39 con (3 nái, 35 con lợn), trọng lượng 585 kg. Theo phiếu trả  kết quả xét nghiệm số 410/TYV2-CĐ thì có 01/05 mẫu từ đàn lợn này dương tính.

Theo Sở NN&PTNT, tất cả đàn lợn tại các hộ này đều đã được xử lý chôn hủy theo đúng hướng dẫn kỹ thuật, có sự giám sát của cơ quan chuyên môn thú y cấp tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố còn lại, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm ổn định. Một vài đàn lợn có báo cáo ốm, nghi bệnh, tuy nhiên kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Lực lượng chức năng tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh tả châu Phi tại xã Yên Đức (Đông Triều). Ảnh: Nguồn baoquangninh.com.vn

Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNN Quảng Ninh cho biết, hiện nguy cơ bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thông qua các hoạt động như vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn bệnh, sản phẩm của lợn bệnh, lợn nhập lậu…(kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín); các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước, các tỉnh đã và đang có dịch bệnh; hoặc có thể thông qua vật chủ trung gian như chim trời tiếp xúc với lợn chết, có mầm bệnh được mang từ nơi này, nơi khác là rất cao. Bên cạnh đó, còn là sự chủ quan lơ là, ỉ lại của người chăn nuôi, chưa tích cực thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn.

Căng mình chống dịch

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, UBND các địa phương tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch bùng phát. Theo đó, nhiều cuộc họp trực tuyến triển khai công tác phòng chống bệnh dịch tả châu Phi đã được thực hiện đến từng cấp xã phường của các địa phương như Uông Bí, Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra việc tiêu hủy đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại gia đình ông Đăng thôn 2 xã Quảng Thịnh huyện Hải Hà. Ảnh: Nguồn baoquangninh.com.vn

Tỉnh Quảng Ninh đã thành lập các chốt kiểm soát liên ngành tại cầu Đá Bạc, thành phố Uông Bí; tại cầu Vàng, thị xã Đông Triều trên Quốc lộ 18A; tại cầu Đá Vách, thị xã Đông Triều trên Tỉnh lộ 188; tại xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ trên Quốc lộ 279 và tại Trạm thu phí cầu Bạch Đằng thị xã Quảng Yên. Các chốt này luôn đầy đủ các thành phần và phân ca trực để hoạt động 24/24 giờ.

Lũy kế đến 16 giờ ngày 11/3/2019, các chốt kiểm soát liên ngành do tỉnh lập đã kiểm soát được 235 phương tiện, vận chuyển 6.235 con lợn. Số xe đầy đủ giấy tờ qua chốt là 222 xe, vận chuyển 8.071 con lợn; số xe không đầy đủ giấy tờ, phun tiêu độc khử trùng, yêu cầu chủ hàng cho xe quay đầu về nơi xuất phát là 11 xe (vận chuyển 342 con lợn).

Các địa phương như Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bộ cũng đã chủ động lập chốt kiểm tra để ngăn chăn sự lây lan của bệnh dịch.

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành lập đội phản ứng nhanh hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch; thông báo đường dây nóng báo cáo dịch bệnh; phân công 11 cán bộ kỹ thuật phụ trách theo dõi địa bàn, ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật quy trình xử lý ổ dịch...

Hiện tỉnh Quảng Ninh đang áp dụng quy định hiện hành, thực hiện hỗ trợ 38.000đ/kg lợn hơi. Đối tượng áp dụng là các hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi. Đối với lợn nái và lợn đực giống đang khai thác được hỗ trợ với mức từ 1,5 đến 2,0 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch. Chủ vật nuôi sẽ được hỗ trợ khi có lợn bị buộc tiêu hủy mà không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh Dịch tả lợn châu Phi với tổng cộng 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, từ ngày 03/8/2018 đến ngày 18/02/2019 đã có 105 ổ dịch xuất hiện tại 26 tỉnh (trong đó có tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam), tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn phải tiêu hủy.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Thú y, từ ngày 01/02/2019 đến ngày 11/3/2019 bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 137 xã, 38 huyện của 13 tỉnh: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên,Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 14.368 con.
Tin liên quan
Tin khác