Thời sự
Quảng Ninh sẽ hoàn thành sáp nhập TP. Hạ Long và huyện Hoành Bồ trong năm 2019
Thu Lê - 02/10/2019 09:46
Hôm qua (01/10), Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng - trong đó có Đề án sắp xếp, sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ (Đề án). Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh chủ trì cuộc họp.
Nghe bài viết này tại đây :
Your browser doesn’t support HTML5 audio

Theo Đề án, Quảng Ninh sẽ nhập toàn bộ 843,54 km2 diện tích tự nhiên và dân số 51.003 người của huyện Hoành Bồ với toàn bộ 275,58 km2 diện tích tự nhiên và dân số 249.264 người của TP Hạ Long. Tên gọi của đơn vị hành chính mới là TP Hạ Long với diện tích 1.119,36 km2, quy mô dân số 300.267 người.

Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 33 đơn vị cấp xã, bao gồm: toàn bộ 20 phường thuộc TP Hạ Long, thị trấn Trới và 12 xã thuộc huyện Hoành Bồ. Đối với thị trấn Trới sẽ nâng cấp lên phường để đảm bảo theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hệ thống chính trị, thống nhất theo mô hình chung, trên cơ sở sáp nhập các cơ quan cấp huyện có chức năng tương đương của 2 địa phương hiện tại, giữ nguyên tổ chức bộ máy cấp xã.

Việc sắp xếp, sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ sẽ được triển khai thực hiện và phấn đấu hoàn thành trong năm 2019. Sau khi hoàn tất sáp nhập, đơn vị hành chính TP Hạ Long mới sẽ là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Quảng Ninh. Đây sẽ là đô thị lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, lớn nhất về số đơn vị hành chính trực thuộc.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh kết luận cuộc họp. Nguồn: quangninh.gov.vn

Việc sáp nhập này được thực hiện là nhằm mục đích khai thác tốt nhất lợi thế tổng thể về đất đai rộng rãi, tài nguyên thiên nhiên đa dạng phong phú, thuận lợi cho quy hoạch đô thị bao quanh Vịnh Hạ Long - Vịnh Cửa Lục; là đòn bẩy cho phát triển bền vững, giảm áp lực quỹ đất phát triển cho Hạ Long vốn đã gần cạn kiệt; giảm áp lực dân số cục bộ…

Việc sáp nhập cũng tạo điều kiện quản lý thống nhất về môi trường cảnh quan liên thông từ rừng, núi, sông, vịnh; có cơ sở để tiếp tục thúc đẩy quá trình đưa ra khỏi quy hoạch, chấm dứt hoạt động các nhà máy điện, xi măng, vôi gây ô nhiễm. Nâng tầm nhìn theo hướng bền vững cho khu vực Hoành Bồ hiện nay, đảm bảo sử dụng có hiệu quả quỹ rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, các dự trữ khoáng sản, các quỹ đất có lợi thế…

Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh tại cuộc họp về Đề án cũng đã nêu rõ: Đây là hai địa phương có mối liên hệ gắn bó đặc biệt trên hầu hết phương diện, có nhiều điểm tương đồng, gắn kết khách quan với nhau từ lịch sử, văn hóa, địa giới, kết nối kinh tế - xã hội. Những điểm khác biệt của hai địa phương sẽ bổ khuyết, tương hỗ cho nhau, không chỉ một chiều mà là cả hai chiều nên rất thuận lợi khi sáp nhập tổng thể.ng bộ tỉnh.

Kết luận về nội dung này tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương thì cần phải có hạt nhân khởi động đủ tầm. Việc sáp nhập này sẽ tạo cho đơn vị hành chính mới là TP Hạ Long có một không gian đủ lớn để phát triển không chỉ 20-30 năm mà còn trong tương lai xa, trở thành thành phố với các ưu thế tiềm năng phát triển, đáp ứng yêu cầu về đất đai, dân số và các cơ sở hạ tầng chủ yếu; đồng thời là giải pháp tối ưu phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của huyện Hoành Bồ vốn dĩ chưa được khai thác. Định hướng này là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Trung ương và định hướng phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn hiện nay.

Ông Ký cũng yêu cầu, ngay sau cuộc họp này, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện đề án để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Tin liên quan
Tin khác