Ngày 30/5/2015, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 142/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Vậy quan điểm và mục tiêu cơ bản của quy hoạch này là gì, thưa ông?
Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh và được xây dựng theo quy trình nghiêm ngặt, đạt chuẩn quốc tế của Tập đoàn Tư vấn BCG - Hoa Kỳ. Trong đó, quan điểm và mục tiêu cơ bản của Quy hoạch được xác định như sau:
Quy hoạch Phát triển du lịch của Quảng Ninh cần nhu cầu vốn từ 68.000 đến 136.000 tỷ đồng. Ảnh: Đ.T |
Quảng Ninh sẽ phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phát triển du lịch phải từ nguồn lực bên trong là cơ bản, nguồn lực bên ngoài là quan trọng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ và phát huy tối đa các lợi thế về tự nhiên, giữ gìn bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa; bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái song hành với phát triển kinh tế biển; đồng thời chú trọng liên kết vùng trong phát triển du lịch.
Về mục tiêu, chúng tôi sẽ xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một địa chỉ du lịch hàng đầu của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, có chất lượng cao, đậm đà bản sắc, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, tổng số khách du lịch đạt 10,5 triệu lượt (4 triệu lượt khách quốc tế); tổng doanh thu đạt 30.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho 62.000 lao động trực tiếp. Đến năm 2030, tổng số khách du lịch đạt 23 triệu lượt (10 triệu lượt khách quốc tế); tổng doanh thu đạt 130.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho 120.000 lao động trực tiếp.
Quảng Ninh có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch, vậy đâu là những định hướng đột phá cho sự phát triển này?
Thứ nhất, chúng tôi định hướng phát triển du lịch vùng và sản phẩm du lịch đa dạng phù hợp với điều kiện tài nguyên của từng vùng. Theo đó, Quảng Ninh xác định có 4 vùng du lịch trọng điểm là: Vùng du lịch Hạ Long (bao gồm TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả và huyện Hoành Bồ) với sản phẩm du lịch thăm quan biển - đảo, nghỉ dưỡng, tắm biển vui chơi giải trí trên vịnh, du lịch sinh thái, du lịch thương mại mua sắm…; Vùng du lịch biên giới (bao gồm TP. Móng Cái, các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, kết nối với Tiên Yên, Ba Chẽ) với sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng, du lịch thương mại - biên giới…; Vùng du lịch Văn hóa - Lịch sử - Tâm linh tại Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều với các quần thể di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng, di tích lịch sử Nhà Trần và Khu di tích lịch sử Bạch Đằng; Vùng du lịch Vân Đồn - Cô Tô với du lịch biển đảo cao cấp có casino, du lịch sinh thái biển, du lịch mạo hiểm...
Thứ hai là định hướng phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch theo phân khúc thị trường khách, với phương châm tập trung vào các phân khúc thị trường mục tiêu quan trọng nhất và phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp với các phân khúc thuộc 4 vùng du lịch của tỉnh. Cụ thể, phân khúc thị trường sẽ theo cụm, điểm: “Mới lạ và Sang trọng” (trọng tâm là Vân Đồn, Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long) hướng tới các khách du lịch hạng sang từ châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và châu Âu; du lịch “Khám phá vẻ đẹp Việt Nam” (Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên) hướng tới khách du lịch châu Âu với chi phí trung bình và thấp, muốn trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa của Việt Nam; du lịch khách phương Bắc (Móng Cái, Vân Đồn, TP. Hạ Long, Vịnh Hạ Long) tập trung vào phân khúc khách du lịch Trung Quốc thu nhập thấp và trung bình đến Quảng Ninh qua cửa khẩu Móng Cái; du lịch tâm linh Việt Nam tập trung vào thị trường khách du lịch trong nước đến các di tích lịch sử tại Quảng Ninh.
Thứ ba là định hướng đẩy mạnh liên kết vùng hay không gian du lịch. Chúng tôi cũng đã xây dựng định hướng đột phá cho giai đoạn từ nay đến năm 2020 với 2 điểm đột phá là Hạ Long và Yên Tử; giai đoạn 2021 - 2030 với 2 điểm đột phá là Vân Đồn - Cô Tô và Móng Cái.
Để phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì chiến lược đầu tư, xây dựng hạ tầng, du lịch được tỉnh Quảng Ninh triển khai thế nào?
Để phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chúng tôi xác định sẽ tập trung nguồn lực đầu tư và xây dựng hạ tầng du lịch tại 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh. Ví dụ, với Vùng du lịch Hạ Long, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư tại Tuần Châu, khu vực Bãi Cháy và khu vực Hồng Gai.
Trong đó, tại Tuần Châu, ưu tiên đầu tư số một là hoàn thiện cảng tàu du lịch quốc tế, nhằm nâng cao khả năng kết nối với các vùng du lịch khác. Tại Bãi Cháy, sẽ đầu tư hệ thống khách sạn cao cấp có thương hiệu quốc tế như khu nghỉ dưỡng biển cao cấp tại đảo Rều; nhóm nhà hàng cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế; khu mua sắm phức hợp, chuỗi cửa hàng dịch vụ… Khu vực Hồng Gai sẽ đầu tư phát triển tuyến đi bộ leo núi Bài Thơ và hệ thống chiếu sáng; bảo tàng Hải Dương học…
Với Vùng du lịch Vân Đồn - Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh sẽ ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư, phát triển các dự án lớn như cảng hàng không Quảng Ninh; cầu cảng cho các loại tàu du lịch; các khu nghỉ dưỡng và hệ thống khách sạn cao cấp; casino quốc tế và tổ hợp vui chơi giải trí; trung tâm mua sắm và sân golf…
Mặt khác, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung, nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh nói riêng, Quảng Ninh xác định, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông… phải luôn đi trước một bước. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các dự án lớn, mang tính động lực như: Dự án Đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô và các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn; Dự án Xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh...
Hiện tại, tỉnh đang tập trung chỉ đạo để hoàn thiện một số công trình hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch, dịch vụ quan trọng như: cụm công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh Quảng Ninh; một số dự án lớn, trọng điểm như Dự án Công viên đại dương của Tập đoàn SunGroup, Khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp tại đảo Rều của Công ty TNHH Vinpearl Hạ Long, Cảng tàu Du lịch quốc tế Tuần Châu... Các dự án trên đã và sẽ góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo du lịch trên địa bàn, đồng thời minh chứng định hướng đúng đắn, chính sách phù hợp của tỉnh trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến với tỉnh.
Thưa ông, từ ngày 12 đến 16/6, Quảng Ninh sẽ tổ chức Hội nghị Hợp tác phát triển du lịch liên vùng. Tính liên kết đó sẽ được thể hiện thế nào trong không gian du lịch của cả nước và quốc tế?
Hội nghị Hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố phía Bắc với TP.HCM là một thông điệp cụ thể về việc triển khai Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về phát triển du lịch. Ở đây, tính liên kết về không gian du lịch thể hiện rất rõ. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn và TP.HCM cùng các học giả, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp du lịch.
Hội nghị được tổ chức với mục đích tăng cường hợp tác phát triển du lịch vùng và liên vùng, kết nối du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, sinh thái; kết nối các tuyến, điểm du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch biên giới, thương mại cửa khẩu và du lịch tổng hợp. Hội nghị cũng là nơi để các địa phương chia sẻ, học tập kinh nghiệm về công tác phát triển sản phẩm du lịch, công tác quản lý điểm đến, thu hút đầu tư, quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo nhân lực du lịch.
Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là “làm thật” và phải có hiệu quả, đặc biệt phải có sự tham gia của các doanh nghiệp trong liên kết. Vì vậy, chúng tôi đã đề ra các nội dung hợp tác rất cụ thể trong liên kết vùng, đó là: phấn đấu hàng năm tăng 5% tỷ lệ khách du lịch từ TP.HCM ra các tỉnh phía Bắc trong liên kết và khách du lịch từ các tỉnh phía Bắc trong liên kết đến TP.HCM; hợp tác xây dựng được các sản phẩm du lịch mới tại các địa phương phục vụ khách du lịch; hợp tác nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại các địa phương tham gia chương trình liên kết.
Chúng tôi hy vọng, Hội nghị sẽ là bước mở đầu cho việc triển khai liên kết vùng trong phát triển du lịch.
Những giải pháp cơ bản nhất cho việc thực hiện mục tiêu của Quy hoạch Phát triển du lịch của Quảng Ninh đến năm 2030 là gì, thưa ông?
Theo tính toán, Quy hoạch Phát triển du lịch của Quảng Ninh cần nhu cầu vốn rất lớn, từ 68.000 đến 136.000 tỷ đồng và dự kiến phần lớn sẽ được huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Để có thể huy động được nguồn lực rất lớn nêu trên, tỉnh xác định cần phải tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp.
Thứ nhất là nhóm giải pháp nhằm tăng tính hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, theo hướng: đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh du lịch; tăng cường tính cạnh tranh trong quảng bá cơ hội đầu tư; bảo đảm cơ sở hạ tầng phù hợp để hỗ trợ phát triển du lịch; giảm suy thoái môi trường khu vực trọng điểm du lịch Quảng Ninh, từ đó tăng tính hấp dẫn của đầu tư du lịch…
Thứ hai, thực hiện tốt Quy hoạch Sử dụng đất tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 đã được phê duyệt theo hướng ưu tiên hiệu quả sử dụng, để bảo đảm những dự án ưu tiên không bị chậm tiến độ…
Thứ ba, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp quy hoạch như: nhóm giải pháp về tiếp thị quảng bá và xây dựng thương hiệu, về sản phẩm du lịch mới; nhóm giải pháp về các dự án hạ tầng giao thông; về hạ tầng du lịch, bao gồm các cơ sở lưu trú, nâng cấp các điểm du lịch và tăng cường hoạt động du lịch; rồi nhóm giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; về bảo vệ môi trường và về quản trị công và hợp tác.