Không phải ngẫu nhiên mà thông tin Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 8506/VPCP – KTN đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu xử lý đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phân kỳ đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái được cộng đồng các nhà đầu tư hạ tầng trong và ngoài nước khá quan tâm.
| ||
Quảng Ninh hiện có 6 tuyến quốc lộ, 14 tuyến đường tỉnh.... Ảnh: Chí Cường |
Trước đó, cuối tháng 9/2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép phân chia Dự án Xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái dài 134 km, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,1 tỷ USD.
Cụ thể, Dự án được kiến nghị chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn đầu (2013 -2016) ưu tiên đầu tư đoạn Hạ Long - Vân Đồn - Tiên Yên quy mô cao tốc 4 làn, dài 89,3 km; giai đoạn tiếp theo (sau năm 2016) sẽ đầu tư đoạn còn lại từ Tiên Yên - Móng Cái dài 64 km, tổng mức đầu tư khoảng 16.600 tỷ đồng.
Được biết, điểm nhấn đáng chú ý của giai đoạn đầu là việc Quảng Ninh chia đoạn Hạ Long – Tiên Yên thành 2 dự án độc lập: Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Mông Dương dài 52,6 km, tổng mức đầu tư 14.000 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng hình thức BOT, PPP hoặc vốn ODA Trung Quốc; Dự án đường cao tốc Mông Dương - Vân Đồn - Tiên Yên, bao gồm cả cầu Vân Đồn, cầu Tiên Yên dài 36,7 km, tổng mức đầu tư 9.200 tỷ đồng, dự kiến đầu tư từ nguồn ODA hoặc trái phiếu chính phủ.
Như vậy, đối với tuyến cao tốc chạy dọc Quảng Ninh lên Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, sẽ chỉ tiến hành kêu gọi vốn đầu tư tư nhân cho 1/3 phân đoạn.
“Quảng Ninh đã triển khai xúc tiến đầu tư cho cả tuyến, nhưng do phương án tài chính có tính khả thi không cao, nên đến nay, Dự án vẫn chưa tìm được nhà đầu tư khả thi”, ông Đỗ Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, lãnh đạo Ban Quản lý dự án PPP (Bộ Giao thông - Vận tải) cho rằng, cách phân kỳ dự án nói trên là hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn của các nhà đầu tư tư nhân và ngân sách nhà nước.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trong khi chưa có điều kiện đầu tư ngay toàn bộ tuyến đường, việc ưu tiên đầu tư 2 dự án nói trên, cùng với Dự án Đường nối TP. Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ kết nối đồng bộ tuyến cao tốc từ Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Tiên Yên dài khoảng 210 km, trong đó đoạn qua Quảng Ninh dài 110 km.
Cần phải nói thêm rằng, ngoài việc tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung và Khu kinh tế Vân Đồn nói riêng, tuyến cao tốc trục dọc ven biển này khi hoàn thành vào năm 2016 sẽ làm tăng tính khả thi cho Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn trị giá 654 triệu USD dự kiến kêu gọi vốn đầu tư bằng hình thức BOT.
“Tỉnh Quảng Ninh ưu tiên phát triển đường cao tốc từ Hạ Long lên Móng Cái vì đây là tuyến đường kết nối ASEAN và Trung Quốc nhằm tạo điều kiện để lưu thông hàng hóa Vùng Đồng bằng Bắc Bộ và cửa khẩu. Tuyến chính sẽ hướng sang Vân Đồn để phù hợp với định hướng phát triển Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và quy hoạch đường bộ ven biển”, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định.
Được biết, tại cuộc làm việc giữa Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh Quảng Ninh cuối tháng 8/2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cơ bản thống nhất với phương án đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái, đồng thời xây dựng phương án cụ thể để Bộ này trình Chính phủ đưa vào chương trình làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc.
Đối với 2 công trình hạ tầng giao thông lớn mang tính đối ngoại cho Quảng Ninh là nạo vét luồng cảng Cái Lân và tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ giao Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, lên phương án triển khai sớm và giao Cục Đường sắt Việt Nam cân đối nguồn vốn hoàn thành trước Tiểu dự án 1 Hạ Long - Cái Lân.
“Bộ Giao thông - Vận tải cam kết hỗ trợ tối đa phát triển giao thông, nhằm tạo tiền đề để Quảng Ninh sớm vươn lên trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Anh Minh