Thời sự
Quảng Ninh: Thành công từ đổi mới, sáng tạo và đột phá
Thu Lê - 25/09/2020 16:21
Những bước phát triển kinh tế-xã hội đột phá của Quảng Ninh giai đoạn 2026-2020 là “trái ngọt” từ những quyết sách có tầm nhìn dài hạn, tư duy đổi mới, sáng tạo và sự quyết liệt trong điều hành.
Quảng Ninh đứng đầu Bảng xếp hạng PCI của cả nước 3 năm liên tiếp (2017 - 2019).

Quyết sách đúng, cho bội thu

“Vận động không ngừng”. Đó là một trong những nhận xét rất đúng về Quảng Ninh trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt là giai đoạn 2016 - 2020. Với tư duy và tầm nhìn đổi mới, dám nghĩ dám làm, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã đưa vùng đất được ví như một Việt Nam thu nhỏ vươn lên mạnh mẽ.

Với trục tư duy xuyên suốt là phát triển bền vững, Quảng Ninh đã thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Đến nay, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra là phấn đấu đến năm 2020, Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm nghèo bền vững... đã cơ bản hoàn thành.

Việc thực hiện “Chiến lược xanh” này đã đem đến những “trái ngọt” đúng như kỳ vọng, sự mong mỏi của người dân và chính quyền tỉnh Quảng Ninh.

Bà Bùi Thị Yến, 78 tuổi, sống tại TP. Hạ Long phấn khởi nói: “Tỉnh nhà giờ đổi mới quá! Nhà cửa khang trang, đường sá rộng rãi, nhất là tuyến đường bao biển tuyệt đẹp. Từ khi có tuyến đường cao tốc, tôi đi Hải Phòng, Hà Nội thăm con cháu rất thuận lợi, nhanh chóng”. Đây cũng chính là cảm nhận của tất cả người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, du khách khi đến với Hạ Long và Quảng Ninh hôm nay.

Và không chỉ là cảm nhận, sự bội thu của Quảng Ninh cũng đã được đong đếm, định lượng rất rõ ràng, cụ thể, khẳng định sức bật của địa phương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, bình quân 5 năm tăng 10,7%. Tốc độ này cơ bản đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIV đề ra và rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 năm 2020.

Tính đến hiện tại, quy mô nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh đạt 211.476 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015. Cơ cấu thu ngân sách chuyển dịch tích cực, thu ngân sách nội địa luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố thu cao nhất cả nước có đóng góp về Trung ương.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 5 năm qua của Quảng Ninh luôn duy trì vị trí cao. Năm 2016, Quảng Ninh đạt vị trí thứ 2 và vươn lên giữ vị trí quán quân trong 3 năm liên tiếp (2017 - 2019).

7 năm liền, Quảng Ninh trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất. Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được tăng lên.

Những con số trên thực sự ấn tượng và chính quyền, người dân nơi đây tự hào về điều đó. Họ tự hào khi mà giờ đây, Đảng bộ, quân, dân - tất cả đã thành một khối thống nhất, đồng lòng trong suy nghĩ và hành động luôn hướng tới một Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh.

Ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing của DEEP C Hải Phòng chia sẻ: “DEEP C đã thực hiện đầu tư hạ tầng 2 khu công nghiệp tại thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) là Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong và Khu công nghiệp Tiền Phong, gọi tắt là DEEP C Quảng Ninh, với tổng quy mô 1.680 ha. Trong quá trình triển khai Dự án, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh, các địa phương và các cơ quan chuyên môn”.

Hình mẫu về huy động và sử dụng vốn đầu tư

Năm 2012, khi Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế quy mô lớn đầu tiên, những thách thức mà địa phương này phải đối mặt đã được ông Nguyễn Văn Đọc, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ: “Đó chính là điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và cơ chế, chính sách còn nhiều nút thắt, đặc biệt là khung pháp lý về đầu tư công - tư chưa đầy đủ”.

Để có bước đệm cho sự phát triển của hiện tại, ngay từ khi đó, đội ngũ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã hiểu và xác định rất rõ, phải huy động được dòng vốn để xóa điểm nghẽn về hạ tầng.

Sau gần chục năm, giờ đây nhìn lại, Quảng Ninh đã thành công khi thí điểm thực hiện phương thức huy động nguồn vốn theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Bằng hình thức “đầu tư công - quản lý tư” (Nhà nước bỏ vốn đầu tư, giao đơn vị có đủ năng lực để quản lý, khai thác) và “đầu tư tư - sử dụng công” (nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện công trình, Nhà nước sẽ thuê lại), Quảng Ninh đã không thụ động trông chờ vào nguồn vốn ngân sách từ trung ương.

Kế thừa và phát huy thành công của giai đoạn 2010 - 2015, với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” - đã thành giải pháp đột phá, Quảng Ninh tiếp tục huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, khi về dự cắt băng khánh thành cầu Bạch Đằng cũng đã đánh giá, Quảng Ninh là địa phương làm rất tốt công việc này. Một đồng vốn ngân sách, Quảng Ninh đã dẫn dắt, thu hút thêm được 8,3 đồng vốn từ các nguồn lực khác cho sự phát triển.

Với cách làm đó, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư xây dựng những công trình hạ tầng lớn, như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, cầu, đường cao tốc thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Tổng vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 123.044 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã đầu tư hoàn thành gần 100 km đường cao tốc và đang triển khai cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; làm mới và nâng cấp 65,7 km đường tỉnh...

Không chỉ trong lĩnh vực giao thông và xây dựng, Quảng Ninh chú trọng xây dựng hạ tầng đồng bộ và toàn diện. Hạ tầng giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao… đều được cải thiện. Tỉnh đã xây dựng Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ, Cung văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh, Trường đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, Trung tâm Văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc, Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Bãi Cháy, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản nhi; nâng cấp sân vận động Cẩm Phả...

Nền móng của sự thành công trong việc huy động và sử dụng hiệu quả dòng vốn ngoài ngân sách chính là yếu tố con người.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, giảm 40 - 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Hệ thống trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động theo nguyên tắc 5 tại chỗ “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả”.

Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được đổi mới, tổ chức bộ máy được kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm cấp trung gian; từng bước cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng được nâng cao.

Nguồn nhân lực của tỉnh được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Quảng Ninh đã chú trọng xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách riêng để thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh. Các cơ chế, chính sách thu hút giảng viên, học sinh, sinh viên và xây dựng Trường đại học Hạ Long từng bước trở thành trung tâm thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực cũng đã tạo được hiệu quả bước đầu.

Nhờ những biện pháp cụ thể, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt. Dự kiến, đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 85%, trong đó, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

“Những thành tựu của nhiệm kỳ 2016 - 2020 và cả chặng đường 10 năm (2011 - 2020) là nguồn vốn quý mà đội ngũ kế nhiệm sẽ phải có trách nhiệm kế thừa, phát huy để sớm đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm phát triển năng động và toàn diện của miền Bắc”, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh.

Giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn. Tỷ trọng khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng từ 43,1% lên 44,6%; công nghiệp - xây dựng duy trì ổn định ở mức 49%; nông, lâm, thủy sản giảm từ 7,7% xuống 5,9%. GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 6.700 USD/người/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.

Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt hơn 212.492 tỷ đồng, tăng 29,56% so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, thu nội địa ước đạt 154.936 tỷ đồng, tăng 94,02%, chiếm 72,9% tổng thu ngân sách nhà nước, bình quân tăng 13,1%/năm, vượt cao so với chỉ tiêu Đại hội đề ra (tăng tối thiểu 10%/năm).

Tin liên quan
Tin khác