Ngành than đóng góp gần 1/3 thu ngân sách
Theo tổng hợp, 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt trên 28.600 tỷ đồng, bằng 55% dự toán và tăng 24% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 6.450 tỷ đồng, bằng 61% dự toán; thu nội địa ước thực hiện trên 22.200 tỷ đồng. Có 6/13 địa phương vượt tốc độ thu bình quân và 7/13 địa phương thu ngân sách chậm so với tiến độ giao.
Riêng ngành than đã có những đóng góp tích cực vào ngân sách của tỉnh Quảng Ninh. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách đều đạt và vượt so với kế hoạch được giao.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) sản xuất than nguyên khai đạt khoảng 22,3 triệu tấn (đạt 57% kế hoạch; than nhập khẩu đạt 2,35 triệu tấn (đạt 50% so với kế hoạch); than tiêu thụ đạt gần 25 triệu tấn (đạt 60% kế hoạch). Đưa doanh thu toàn Tập đoàn đạt khoảng 78.500 tỷ đồng (đạt 60% kế hoạch) và Tập đoàn đã nộp ngân sách tại Quảng Ninh 8.150 tỷ đồng (đạt 57% so với kế hoạch).
Đối với Tổng Công ty Đông Bắc, sản xuất than nguyên khai đạt khoảng gần 3,8 triệu tấn (đạt 57% so với kế hoạch); than tiêu thụ đạt gần 4,9 triệu tấn (đạt 57% so với kế hoạch); doanh thu đạt trên 9.500 tỷ đồng (đạt 60% kế hoạch). Hiện Tổng Công ty Đông Bắc đã nộp ngân sách tại Quảng Ninh gần 1.100 tỷ đồng (đạt 54% kế hoạch).
Như vậy, chỉ tính riêng đóng góp ngân sách của TKV và Tổng Đông Bắc đã là gần 9.250 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 tổng số thu ngân sách của Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm 2022.
Sau nhiều nỗ lực, sáng 17/6, cửa khẩu Ka Long Móng Cái (Việt Nam) - Bến Biên mậu, Đông Hưng (Trung Quốc) chính thức thông quan trở lại sau hơn 3 năm tạm dừng. Ảnh: Nguồn TT&VH Móng Cái. |
Để có được kết quả thu tích cực này là do các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt trong triển khai thực hiện, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giúp các doanh nghiệp đưa các dự án mới đi vào hoạt động. Tăng sản lượng, năng lực sản xuất, đặc biệt là các ngành: than, điện, các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp.
Các đơn vị cũng đã tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, chủ động liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với việc thông quan hàng hóa, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh, nhất là các cửa khẩu tại thành phố Móng Cái.
Giải ngân vốn đầu tư công đang chậm
Theo báo cáo, đối với chi ngân sách trên toàn tỉnh là hơn 8.100 tỷ đồng, trong đó chi cho đầu tư phát triển đã đạt trên 4.200 tỷ đồng, bằng 23,6% kế hoạch, chậm so với tiến độ và cùng kỳ năm 2021.
Nguồn vốn ngân sách tỉnh giải ngân mới đạt 31%; nguồn vốn ngân sách cấp huyện mới giải ngân chỉ được 19,5% kế hoạch. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm như: Cẩm Phả, Đồng Triều, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà. Riêng thành phố Hạ Long kế hoạch vốn trên 3.200 tỷ đồng, chiếm 44,7% kế hoạch vốn ngân sách cấp huyện nhưng mới giải ngân đạt 18,7% làm ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh.
Chỉ ra nguyên nhân của việc giải ngân chậm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Tường Văn đã nhấn mạnh: Công tác lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ bố trí vốn đầu tư. Tiến độ phân khai một số nhiệm vụ chi thường xuyên còn chậm, đặc biệt là kinh phí tăng cường cơ sở vật chất ngành giáo dục, y tế và sự nghiệp khoa học và công nghệ...
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ ra những nguyên nhân khiến giải ngân vốn bị chậm. Ảnh: Đỗ Phương. |
Một số đơn vị đề xuất bố trí dự toán kinh phí lớn, chỉ dựa trên cơ sở dự kiến tổng mức đầu tư, chưa phân kỳ thực hiện hợp lý, chưa căn cứ vào khả năng thực hiện trong năm dự toán. Một số đơn vị đã được bố trí dự toán nhưng chưa lường trước được khả năng thực hiện, chậm triển khai, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó có việc phân bổ, giải ngân vốn.
Trên cơ sở đó, để triển khai hiệu quả công tác thu, chi ngân sách trong giai đoạn tiếp theo, ông Văn yêu cầu cần tăng cường công tác dự báo; thường xuyên cập nhật dữ liệu; vận hành hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách tỉnh. Tăng cường công tác giải ngân nguồn vốn, rà soát khả năng giải ngân để đảm bảo mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 (30/9/2022 giải ngân 80% và đến ngày 31/12/2022 giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022); tăng cường quản lý, chi tiêu đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả.
Tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp tăng sản lượng, năng lực sản xuất; tăng cường quản lý thuế, tập trung thu các sắc thuế còn dư địa: thu từ khu vực ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân; phấn đấu hoàn thành cả 16/16 chỉ tiêu giao dự toán.
Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để thất thu các khoản thuế, phí đặc biệt là các khoản thu được điều tiết cho các địa phương để chi thường xuyên, triệt để thực hiện nguyên tắc “có thu thì mới có chi”.
Trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh các công tác điều hành thu, chi ngân sách, Tỉnh cũng đã quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử và là 1 trong 6 địa phương trên cả nước triển khai hóa đơn điện tử trong 6 tháng đầu năm. Đến nay đã có 10.336 tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế, cá nhân kinh doanh hoàn thành đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử.