Đầu tư
Quảng Ninh tự tin, vững vàng bước vào hành trình mới
Quỳnh Nga - 02/01/2025 14:50
Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Quảng Ninh đã vững vàng vượt qua và bước tiếp vào năm mới 2025 với một điểm tựa vững vàng, sự lạc quan và niềm tin về sự thành công.
Quảng Ninh luôn là điểm đến hấp dẫn du khách, nhà đầu tư (Ảnh: Thanh Tân)

Vượt khó về đích

Tại kỳ họp thứ 23 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh rất thẳng thắn khi nói về một năm đầy biến động: tỉnh thực hiện nhiệm vụ năm 2024 trong điều kiện khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thử thách lớn hơn cơ hội, nhất là phải ứng phó với bão số 3 (Yagi) cùng những thiệt hại rất nặng nề.

Nửa đầu năm 2024, kinh tế Quảng Ninh giữ nhịp tăng trưởng, GRDP tăng 9,02%, đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8 trên cả nước. Tuy nhiên, bão Yagi với sức tàn phá khốc liệt đã gây thiệt hại về kinh tế cho tỉnh Quảng Ninh trên 28.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 1/3 tổng thiệt hại của cả nước).

Ngay sau bão, Quảng Ninh đã huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang và toàn dân tập trung khắc phục hậu quả. Bên cạnh việc kịp thời gặp gỡ, thăm hỏi, động viên người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại, khắc phục các công trình bị hư hỏng, Quảng Ninh đã khẩn trương khôi phục sản xuất ở các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như ngành than, các khu công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, thương mại dịch vụ.

Một việc làm kịp thời, thể hiện sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh là rà soát, điều chỉnh và thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 bám sát thực tiễn. Quảng Ninh đã kịp thời xây dựng, ban hành và triển khai một số chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả sau bão. Cụ thể là, hỗ trợ 100% học phí năm học 2024 - 2025 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục; hỗ trợ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng; nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác với kinh phí 180 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng kịp thời triển khai các giải pháp như: giảm lãi suất cho vay, cơ cấu, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, chưa thực hiện thu lãi tiền vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sau bão. Cùng với đó, Quảng Ninh bố trí 1.180 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách và nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện các chính sách này.

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt 8,42% đứng thứ 6 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 20 cả nước; quy mô nền kinh tế ước đạt 347.534 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 7 cả nước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh, tăng 20,45%, cao hơn 4,05 điểm phần trăm so với năm 2023. Ngành du lịch đạt mục tiêu đón 19 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22% so với năm 2023.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Quảng Ninh cũng đạt kết quả khá với 2,88 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư bằng nhiều cơ chế, chính sách như đơn giản hóa thủ tục, quy trình, áp dụng các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn, Quảng Ninh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.

Sự quan tâm của chính quyền các cấp tiếp tục là nguồn động viên, tiếp thêm động lực cho các nhà đầu tư đẩy mạnh triển khai dự án, xây dựng nhà máy và đưa vào hoạt động, tạo ra năng lực sản xuất mới, nâng giá trị gia tăng, một trong số đó là Nhà máy Ô tô Thành Công tại Khu công nghiệp Việt Hưng, đã chạy thử và chính thức đi vào sản xuất ngay đầu năm 2025.

Công tác an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, chăm lo phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh luôn được địa phương chú trọng. Chương trình Xây dựng nông thôn mới ngày càng tiến dần về đích với 91/91 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 54/91 xã đạt chuẩn nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, Bình Liêu là huyện dân tộc miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, Tiên Yên và Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021 - 2025.

Năm 2024, GRDP bình quân đầu người của Quảng Ninh đạt trên 10.000 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020 và toàn tỉnh đã tạo ra 30.000 việc làm tăng thêm.

Với tinh thần “kỷ luật đồng tâm”, lãnh đạo và người dân Quảng Ninh đã đi qua năm 2024 và tự tin, lạc quan bước vào năm 2025.

Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Quảng Ninh là bến đỗ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (Ảnh: Thanh Tân)

Năm mới bứt phá thành công

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Năm 2025, cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025 - 2030, một năm nhiều ý nghĩa trọng đại. Quảng Ninh quyết tâm giữ vững tăng trưởng kinh tế hai con số. “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới” là chủ đề công tác năm 2025 được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lựa chọn để làm kim chỉ nam trong mọi hành động.

Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2025, Quảng Ninh đã đưa ra những mục tiêu mang tính khả thi cao, dựa trên nền tảng của sự đổi mới và tinh thần hành động quyết liệt. Tỉnh đặt mục tiêu đẩy nhanh khôi phục, tái thiết nền kinh tế sau cơn bão số 3, sớm phục hồi một số ngành kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng. Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, khai thông điểm nghẽn, nút thắt, cản trở, ách tắc, tạo thành các nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Phát triển du lịch vẫn sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển bền vững cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ. Quảng Ninh phấn đấu năm 2025 thu hút 20 triệu lượt khách, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế; hoàn thành mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 10%/năm đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Để hoàn thành mục tiêu trên, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, Quảng Ninh tiếp tục quyết liệt đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công gắn trách nhiệm người đứng đầu.

Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới vào các khu công nghiệp, dự án đầu tư vào ngành nghề sản xuất thông minh, hàm lượng tri thức cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đi vào hoạt động, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng.

Cùng với đó, tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, y tế, giáo dục, văn hóa…; thông tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, nút giao Đầm Nhà Mạc; cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 279; kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”; đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị.

“Với sự đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, cùng sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân, Quảng Ninh sẽ giữ vững đà phát triển, tăng tốc và bứt phá trong năm 2025”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác