Tại các điểm tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri quan tâm đến quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Quảng Trị trong thời gian qua đã tác động như thế nào đến địa phương. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), sắp tới là tiến đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cử tri cũng băn khoăn đến các giải pháp đối với những địa phương đã đạt để giữ vững và nâng cao các tiêu chí trong NTM. Vấn đề về đầu tư, phát triển kinh tế xã hội ở vùng sâu vùng xa, từ đó tiến tới thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền...
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị lắng nghe ý kiến trao đổi của các cử tri. |
Cử tri thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa) và xã Hướng Hiệp (Đakrông) đã nêu lên một số vấn đề cần quan tâm: Trụ sở UBND một số địa phương đã xuống cấp, nhiều cán bộ phải làm việc chung một phòng không đảm bảo. Đất rừng phòng hộ, đất sản xuất của các chủ rừng bị chồng lấn gây khó khăn cho công tác quản lý.
Cử tri kiến nghị quan tâm hơn nữa đến đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục những bất cập trong chính sách hỗ trợ cây con đem lại hiệu quả và quyền lợi cho người dân. Kiến nghị giải quyết thực trạng tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, cần có cơ chế vận hành bổ sung cho hoàn thiện, tạo chính sách thông thoáng hơn. Có giải pháp dành cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng dỡ dang trong khu kinh tế, thương mại làm cho Khu Kinh tế Thương mại Lao Bảo sống động hơn. Cần có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng, thiện chí đến với địa phương để phát huy nguồn lực kinh tế xã hội ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Cử tri trình bày ý kiến với các đại biểu Quốc hội tỉnh. |
Cử tri thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh) nêu lên một số vấn đề cần quan tâm trong đó có kiến nghị cần tăng mức phạt nghiêm khắc đối với tội tham nhũng, tội tàng trữ mua bán ma túy. Nhiều cử tri đề nghị xem xét sử dụng hợp lý tiền xử phạt vi phạm pháp luật về an toàn giao thông; thành lập các CLB công dân gương mẫu; quan tâm giải quyết chế độ chính sách còn tồn đọng cho người có công với cách mạng và các chế độ chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; nhiều vụ việc tranh chấp đất đai trên địa bàn kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; việc bình xét công nhận gia đình văn hóa vẫn còn hình thức, thiếu thực chất.
Cử tri thị trấn Gio Linh (Gio Linh) kiến nghị chính quyền các cấp thực hiện rà soát việc thực hiện các khoản thu ngoài quy định ở các trường học. Quan tâm đến người cao tuổi có nhiều cống hiến cho quê hương bằng các các chế độ chính sách, hình thức động viên, khen thưởng. Sớm có kế hoạch dời các cơ sở kinh doanh ga với số lượng lớn trên địa bàn ra khỏi khu dân cư.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng trò chuyện thân mật cùng các cử tri. |
Cử tri xã Cam An (Cam Lộ) đã nêu lên một số vấn đề cần quan tâm như: trong quy hoạch cần dành quỹ đất ở cho người dân trên địa bàn xã và quy hoạch đất dành cho việc chôn cất mồ mã ở một số khu dân cư; vấn đề ATGT ở khu vực ngã tư Sòng, nhất là tình trạng xe quá khổ, quá tải chở gỗ băm dăm vẫn còn diễn ra phổ biến. Việc quy hoạch cụm làng nghề gây ô nhiễm môi trường và vấn đề nước thải chưa được xử lý dứt điểm. Cử tri cũng quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, xử lý trách nhiệm người vi phạm và thu hồi tài sản cho nhà nước; vấn đề nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM; Khó khăn trong việc giữ vững và nâng các các tiêu chí đã đạt trong xây dựng NTM...
Tại các điểm tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng thông tin đến các cử tri về tình hình phát triển KT- XH tại địa phương thời gian qua: Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quảng Trị đã đẩy mạnh liên kết 4 nhà trồng dứa, cây dược liệu, dưa lưới công nghệ Nhật Bản…hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân sử dụng giống đảm bảo phẩm cấp, thay đổi cách sản xuất truyền thống qua hiện đại. Xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, tiến đến nâng cao thương hiệu các sản phẩm đầu ra trên thị trường, qua đó xây dựng niềm tin với người tiêu dùng về các sản phẩm sạch, chất lượng của địa phương.
Trong xây dựng NTM, đến nay toàn tỉnh có 42/117 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 35,9% số xã của tỉnh. Mục tiêu của tỉnh Quảng Trị từ nay đến năm 2020: có từ 59-65 xã đạt chuẩn NTM(chiếm tỷ lệ 50-55%), có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không còn huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đồng bằng đạt dưới 16 tiêu chí, không còn xã miền núi đạt dưới 8 tiêu chí.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định các giải pháp đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) của Quảng Trị đến 2020 và tầm nhìn 2025 là tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo đột phá trong TCCNN. Tiếp tục thực hiện các mục tiêu NQ 26 của Bộ Chính trị và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tạo điều kiện để nông dân và DN tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường, mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao.
“Tỉnh sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại. Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các xã, bao gồm cả các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH, HĐH, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền...” - đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.
Những vấn đề khác với trách nhiệm của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị sẽ tổng hợp tiếp thu đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết đảm bảo quyền lợi cho cử tri như hồ sơ liên quan đất đai, hồ sơ thủ tục vay vốn ngân hàng, vấn đề ô nhiễm môi trường và nhiều vấn đề liên quan khác...