Thời sự
Quảng Trị phấn đấu không còn huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới
Tiến Nhất - 21/10/2018 07:50
Ngày 19/10, tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020.

Qua 3 năm thực hiện phong trào thi đua Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, phong trào xây dựng NTM tiếp tục huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang, sáng - xanh- sạch- đẹp hơn. Tổng nguồn lực huy động cho xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2018 tại Quảng Trị gần 21.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm soát nợ đọng xây dựng cơ bản tốt và yêu cầu các địa phương không được huy động quá sức dân, vì vậy đến nay tỷ lệ nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh thấp (chỉ hơn 7 tỷ đồng) và dự kiến sẽ xử lý dứt điểm trong năm 2018.

Lãnh đạo Tỉnh Quảng Trị đã trao bằng khen cho các tập thể cá nhân có thành tích trong phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2018.

Để khơi dậy phong trào sôi nổi trong quần chúng nhân dân, hàng năm, UBND các huyện, thị xã lựa chọn 1 địa phương để tổ chức phát động phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với các hoạt động thiết thực, hiệu quả.  

Nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, thiết thực về phong trào “xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, đang từng bước lan tỏa đến khắp các vùng quê trên địa bàn toàn tỉnh, điển hình như: phong trào “ánh sáng đường quê”,  phong trào “ngày nông thôn mới”, “thôn nông thôn mới kiểu mẫu” ở huyện Hải Lăng . Phong trào “khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, thực hiện tiêu chí “vườn mẫu” ở huyện Cam Lộ.  Phong trào Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn”...

Bên cạnh đó,  nhiều mô hình liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong và ngoài nước theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, bao tiêu sản phẩm cho người dân lần đầu được triển khai mang lại hiệu quả tích cực như mô hình dứa của Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Giao, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Tập đoàn Đại Nam cung cấp phân bón Obi - Ong biển, mô hình trồng Dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh của Công ty Sumitomo - Nhật Bản, kết nối với siêu thị Intimex tại Hà Nội để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, hiện nay tỉnh đang tăng cường hợp tác, thu hút, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh như: Tập đoàn FLC (đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Cam Lộ và Triệu Phong), Công ty Sumitomo - Nhật Bản (trồng Dưa lưới, nuôi tôm công nghệ cao và trang trại tổng hợp tại các xã vùng cát huyện Gio Linh); Học viện Nông nghiệp Việt Nam (phát triển trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp), Công ty ISE-FOOD của Nhật Bản (ngô nguyên liệu gắn với nuôi gà đẻ trứng)...

Nhờ thực hiện có hiệu quả Phong trào mà hiện trạng tiêu chí tiêu chí nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến đáng kể, đến nay tổng số tiêu chí đạt bình quân là 14,25 tiêu chí/xã (tăng 2,55 tiêu chí/xã so với đầu năm 2016), tiệm cận với mức tiêu chí bình quân chung của cả nước; đến nay đã có 42/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 24 xã so với đầu năm 2016); các xã miền núi hiện không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Quảng Trị đã đưa ra mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 là:  có từ 59-65 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 50-55%), có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không còn huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đồng bằng đạt dưới 16 tiêu chí, không còn xã miền núi đạt dưới 8 tiêu chí...

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính đề nghị các ngành chức năng, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong tạo phong trào thi đua sâu rộng và toàn diện từ cấp tỉnh đến tận thôn/bản. Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng NTM. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, huy động tối đa nguồn lực của địa phương; đẩy mạnh huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp; phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực từ nhân dân; tăng cường thu hút nguồn đỡ đầu, tài trợ của các tổ chức, cá nhân để ưu tiên cho các xã đăng ký đạt chuẩn sớm và các xã khó khăn...

Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển dần sản xuất nông nghiệp phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Chỉ đạo việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, từng bước xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, phát động phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tạo không khí thi đua sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ trong từng hộ gia đình, từng thôn xóm, từng xã trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng “miền quê đáng sống”. Chỉ đạo việc xây dựng nông thôn mới phải thực chất, không chạy theo phong trào, chạy theo thành tích, không công nhận xã đạt chuẩn NTM nếu huy động quá sức dân và để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản...

Dịp này, tỉnh Quảng Trị đã trao bằng khen cho các tập thể cá nhân có thành tích trong phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2018

Tin liên quan
Tin khác