Mốc tiến độ cụ thể
Dự án LNG Hải Lăng là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Trị, và là dự án điện khí lớn nhất tại tỉnh Quảng Trị hiện nay. Dự án thực hiện tại khu phức hợp năng lượng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tại xã Hải An và xã Hải Ba của huyện Hải Lăng.
Dự án do liên danh các nhà đầu tư Tập đoàn T&T (Việt Nam) và Tổng công ty Năng lượng Hanwha - HEC, Tổng công ty Khí Hàn Quốc - KOGAS, Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc - KOSPO (cùng đến từ Hàn Quốc) thực hiện (gọi tắt là Tổ hợp nhà đầu tư), được khởi công vào ngày 15/1/2022.
Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp, tổng vốn đầu tư của dự án là 53.668 tỷ đồng, tương đương 2,32 tỷ USD, trong đó vốn góp của Tổ hợp nhà đầu tư để thực hiện dự án là 13.416 tỷ đồng; trong đó: T&T Group góp 40%, mỗi nhà đầu tư: HANWHA, KOSPO, KOGAS góp 20%.
Khu vực triển khai Dự án LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Tân |
Dự án sẽ xây dựng Trung tâm Kho cảng LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở khí hóa lỏng từ 170.000 đến 226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn khí hóa lỏng/năm; Trung tâm Điện lực Hải Lăng, giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500 MW. Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027.
Ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng BQL Khu kinh tế Quảng Trị cho biết, đối với với kế hoạch tiến độ cụ thể cho từng công việc của dự án LNG Hải Lăng, BQL Khu kinh tế đã có văn bản đề nghị Tổ hợp Nhà đầu tư xây dựng khung tiến độ cụ thể của dự án.
Theo đó, Tổ hợp nhà đầu tư đã có văn bản đưa ra tiến độ tổng thể của dự án trên cơ sở tiến độ đã được phê duyệt tại Quy hoạch điện VIII. Cụ thể: Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) vào quý 3/2024; đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) vào quý 3/2025; ký kết hợp đồng thu xếp tài chính dự án vào quý 4/2025; ký kết hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị - thiết kế - thi công (EPC) vào quý 4/2025 (thời gian xây dựng 48 tháng); ngày vận hành thương mại (COD) vào quý 4/2029.
Bên cạnh đó, trong tháng 8/2024 vừa qua, Tổ hợp nhà đầu tư có Văn bản số 043/2024/HL-IC-MOIT báo cáo Bộ Công Thương, Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng và UBND tỉnh về Kế hoạch tiến độ thực hiện dự án.
Trong đó, Tổ hợp nhà đầu tư dự kiến đến ngày 2/10/2025 hoàn thành việc thành lập doanh nghiệp dự án; ngày 1/11/2024 hoàn thành việc phê duyệt FS; đến ngày 31/12/2025 hoàn thành các thỏa thuận chuyên ngành và thủ tục pháp lý liên quan và công tác GPMB, thuê đất và hoàn thành việc tổ chức đấu thầu các gói thầu EPC, bảo hiểm, quản lý xây dựng, vận hành và bảo trì; đến ngày 1/1/2026 hoàn thành việc thu xếp tài chính và tổ chức thi công xây dựng các hạng mục công trình dự án; đến ngày 31/12/2026 hoàn thành việc đấu thầu mua LNG; đến ngày 2/4/2029 xây dựng hoàn thành, vận hành chạy thử và đến ngày 31/12/2029 chính thực đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Minh cho biết, về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, hiện nay UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng của cơ quan đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thực hiện ở cả bên trong và bên ngoài phạm vi Khu kinh tế (trong đó có Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1). Hiện BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị đang rà soát, tổng hợp để thực hiện bàn giao hồ sơ tài liệu cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục xử lý và giải quyết hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án của Tổ hợp nhà đầu tư theo quy định.
“Về hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư, BQL Khu kinh tế sẽ chuyển hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ Tổ hợp nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, để sau khi điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu được phê duyệt, Tổ hợp nhà đầu tư kịp thời nộp hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức lấy ý kiến thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định”, ông Minh thông tin thêm.
Bổ sung quy hoạch bến cảng chuyên dùng phục vụ dự án
Cũng theo BQL Khu kinh tế Quảng Trị cho biết, vừa qua Bộ GTVT vừa có văn bản chấp thuận bổ sung quy hoạch bến cảng chuyên dùng LNG, luồng chuyên dùng và đê chắn sóng phục vụ Nhà máy nhiệt điện LNG Hải Lăng - giai đoạn 1 vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ.
Được biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu bến Mỹ Thủy được quy hoạch phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, Thái Lan; có bến tổng hợp, container, hàng rời cho tàu đến 100.000 tấn, hàng lỏng/khí (phục vụ Trung tâm Điện lực Quảng Trị phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực) cho tàu đến 150.000 tấn, phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng phụ trợ (đặc biệt là luồng hàng hải, đê chắn sóng, ngăn cát).
Phối cảnh Dự án LNG Hải Lăng |
Về quy hoạch chuyên ngành công thương, dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng được Thủ tướng chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch điện VII, tiến độ vận hành năm 2026 - 2027. Dự án có trong danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030 và thuộc danh mục các chương trình, công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.
Theo Bộ GTVT, đề xuất bổ sung bến chuyên dùng LNG, luồng chuyên dùng cho tàu đến 90.000 tấn và đê chắn sóng tại khu bến Mỹ Thủy phù hợp với quy hoạch cảng biển được duyệt và phù hợp với quy hoạch chuyên ngành công thương.
Để có cơ sở triển khai các thủ tục đầu tư hạ tầng cảng biển chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện LNG Hải Lăng - giai đoạn 1, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương bổ sung bến cảng chuyên dùng LNG, luồng chuyên dùng cho tàu đến 90.000 tấn và đê chắn sóng (thuộc khu bến Mỹ Thủy, cảng biển Quảng Trị) vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.