Ngân hàng - Bảo hiểm
Quay cuồng giữa cơn sốt vàng: Nỗi lo vàng hóa nền kinh tế
Trần Mạnh - 13/04/2024 09:38
Giá vàng thế giới liên tiếp lập kỷ lục mọi thời đại trong bối cảnh làn sóng mua vào diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, quản lý thị trường vàng càng thêm thách thức trong bối cảnh vàng và tỷ giá cùng nóng và nỗi lo vàng hóa nền kinh tế có nguy cơ quay lại.
Với diễn biến hiện nay, nhiều chuyên gia dự đoán giá vàng có thể tăng lên 3.000 USD/ounce trong năm nay. Ảnh: Đ.T

Vàng ống bơ trở thành kênh đầu tư nóng nhất

Vốn được coi là “hầm trú ẩn”, song vàng đang trở thành kênh đầu tư mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất từ đầu năm đến nay. Chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm, giá vàng thế giới tăng 16%, còn giá vàng nhẫn trong nước thậm chí tăng 25%. Vàng miếng SJC có thời điểm chạm sát mốc 85 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn SJC đạt 79 triệu đồng/lượng, phá mọi kỷ lục thiết lập trước đó. Tình trạng cháy hàng, hạn chế số lượng vàng nhẫn bán ra với một khách hàng… đã diễn ra ở nhiều cửa hàng vàng.

Với diễn biến giá vàng hiện nay, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam dự báo, từ nay đến cuối năm, giá vàng thế giới có thể lên 2.600 USD/ounce (hiện ở mức 2.349 USD/ounce).

Ngày càng nhiều nhà phân tích lạc quan với nhận định giá vàng có thể chạm tới mốc 3.000 USD/ounce trong năm nay. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới cho rằng, cầu mua mạnh mẽ của ngân hàng trung ương các quốc gia là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.

Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, ngân hàng trung ương các nước đã mua ròng vàng 14 năm liên tiếp (mua ròng từ năm 2009, sau khủng hoảng kinh tế thế giới). Bất ổn địa chính trị, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất năm nay càng khiến nhu cầu này tăng mạnh.

Thực tế, không chỉ ngân hàng trung ương các nước, mà các quỹ đầu tư cá mập và cả nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đang điên cuồng càn quét vàng. Cầu tăng đột biến thúc đẩy giá vàng tăng như vũ bão.

Hiện các đồng tiền mạnh, kể cả USD, đều trở nên kém hấp dẫn. Đặc biệt, với các quốc gia không liên minh với Mỹ, vàng lại càng trở thành lựa chọn tốt để giảm khả năng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

Vàng hóa có nguy cơ quay lại?

Trong “cơn điên” của giá vàng, một dòng tiền không nhỏ đang dịch chuyển từ tiết kiệm sang vàng. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, giao dịch vàng đang tăng mạnh những ngày gần đây. Lãi suất tiết kiệm thấp, thị trường chứng khoán trồi sụt, bất động sản chưa phục hồi, trong khi vàng tăng phi mã khiến nhà đầu tư có tâm lý sốt ruột, sợ bị bỏ lỡ. Nguồn cung vàng trên thị trường hạn chế trong bối cảnh các cơ quan chức năng dồn dập kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng càng làm vàng trở nên “nóng” hơn.

Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán khó khăn, lãi suất thấp, việc nhiều người đầu tư vào vàng là dễ hiểu. Giá vàng trong nước tăng chủ yếu do giá vàng thế giới tăng, ngoài ra còn do nguồn cung khan hiếm, cầu tăng đột biến. Hiện tại, nhà đầu tư có tâm lý kỳ vọng vàng tiếp tục tăng giá, các dự báo giá vàng thế giới cũng đang hết sức lạc quan. Dù vậy, nhà đầu tư cần phải thận trọng, vì vàng biến động rất nhanh, chỉ nên đầu tư vàng với tỷ trọng nhất định để phòng ngừa rủi ro.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế

Tình trạng người dân đổ xô mua vàng đang làm dấy lên lo ngại vàng hóa nền kinh tế sẽ quay lại, đặc biệt nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Nếu tình trạng này xảy ra, nền kinh tế sẽ diễn ra 2 hệ lụy: tỷ giá sốt lên, đồng thời một lượng vốn lớn sẽ bị chôn chặt vào vàng, thay vì chảy vào sản xuất - kinh doanh.

Sau nhiều thúc giục của Chính phủ, hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đưa ra được quyết sách nào với thay đổi quản lý thị trường vàng. Trong Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 vừa ban hành, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Như vậy, “không để vàng hóa nền kinh tế” vẫn là yêu cầu hàng đầu của Chính phủ đặt ra trong quản lý vàng.

Để bình ổn thị trường vàng, nhiều chuyên gia đang nghiêng về hướng khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng theo hạn ngạch nhất định, đồng thời khuyến khích xuất khẩu vàng trang sức để cân đối cung - cầu ngoại tệ.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, không cần lo ngại vàng hóa nền kinh tế bởi tình trạng vàng hóa chỉ xảy ra khi cho phép ngân hàng huy động vàng dưới hình thức tiền gửi. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cấm các ngân hàng thương mại huy động vàng, nên cũng không cần phải lo lắng về vàng hóa nền kinh tế. Để bình ổn thị trường vàng, theo TS. Nghĩa, cần cho phép nhập khẩu vàng và bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Trên thực tế, dù thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước không cho phép nhập khẩu vàng, song tiêu thụ vàng mỗi năm vẫn khoảng 55 tấn, cho thấy một lượng lớn vàng nhập lậu vẫn chảy vào trong nước. Do đó, câu chuyện cho nhập khẩu vàng sẽ dẫn tới cầu ngoại tệ tăng vọt là khó xảy ra.

Dù lựa chọn giải pháp nào, các chuyên gia kinh tế đều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm thay đổi chính sách quản lý với thị trường vàng, việc chậm trễ sẽ làm thị trường thêm bất ổn. Hiện chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đã được kéo giảm từ mức 17-20 triệu đồng/lượng hồi đầu năm, xuống còn 12-13 triệu đồng/lượng, song mức này vẫn cao gấp vài lần so với giai đoạn trước đây.

Tin liên quan
Tin khác