Trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 45. |
Đại biểu họp trực tuyến từ các điểm cầu
Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động thường kỳ của Quốc hội. Vì chống dịch, Phòng Diên Hồng, nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội chỉ có khoảng 170 đại biểu công tác tại Hà Nội (không bao gồm các vị đại biểu thuộc đoàn Hà Nội), thay vì gần 500 đại biểu và hàng trăm khách mời như những kỳ trước.
Đây là lần đầu tiên, các đại biểu Quốc hội ở 62 tỉnh, thành phố không tới Thủ đô, mà tham gia họp trực tuyến từ các điểm cầu ở mọi miền đất nước. Theo hướng dẫn của Tổng thư ký Quốc hội, trường hợp đại biểu đang công tác tại tỉnh, thành phố khác sẽ lựa chọn tham dự tại điểm cầu ở nơi công tác hoặc nơi mình tham gia đoàn và đăng ký với trưởng đoàn nơi sẽ tham dự họp.
Kỳ này, Quốc hội tiến hành phiên trù bị sớm hơn một ngày (ở các kỳ họp trước, ngay sau phiên trù bị sẽ khai mạc kỳ họp), vào 8h30 ngày 19/5, sau khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại phiên trù bị, Văn phòng Quốc hội hướng dẫn và đại biểu Quốc hội thử nghiệm ứng dụng đăng ký phát biểu, biểu quyết được cài đặt trên Ipad, nhằm đảm bảo hoạt động này diễn ra suôn sẻ trong các phiên họp chính thức.
Phiên khai mạc sáng nay được phát thanh, truyền hình trực tiếp với những báo cáo quen thuộc về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách từ Chính phủ và báo cáo thẩm tra nội dung này của Ủy ban Kinh tế. Tiếp đến, là Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp, Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp trước.
Xem xét việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế
Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách của Chính phủ tại kỳ họp này có một khác biệt lớn, đó là lần đầu tiên trong cả nhiệm kỳ, các chỉ tiêu kinh tế dự kiến được điều chỉnh, để chủ động trong điều hành, ứng phó với những tác động nghiêm trọng từ Covid-19.
Trước đó, khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ dự kiến điều chỉnh một số chỉ tiêu.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (chỉ tiêu được Quốc hội giao là 6,8%); trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 là 6,5%.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (Quốc hội thông qua là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (Quốc hội thông qua là khoảng 7%); tổng thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao. Chính phủ cũng dự kiến, bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với chỉ tiêu đã được Quốc hội giao); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu cũ).
Yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 được Chính phủ khẳng định là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan, vì cuộc khủng hoảng do tác động của Covid-19 có phạm vi ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây.
Không chất vấn trực tiếp
Theo chương trình dự kiến, trong 9 ngày làm việc trực tuyến (từ ngày 20 đến ngày 29/5) và 10 ngày làm việc trực tiếp (từ ngày 8 đến ngày 18/6), Quốc hội cũng vẫn sẽ dành thời gian cho công tác lập pháp, thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách, giám sát tối cao, công tác nhân sự và quyết định những vấn đề quan trọng khác như nhiều kỳ họp trước.
Theo chương trình dự kiến, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 10 dự án luật, trong đó có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật doanh nghiệp (sửa đổi)…
Bên cạnh đó, Quốc hội dự kiến thông qua nhiều nghị quyết, trong đó có Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
6 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi).
Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng của ông Vương Đình Huệ, người đã được Bộ Chính trị phân công, điều động làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Cũng được miễn nhiệm để nhận nhiệm vụ mới là bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội. Người kế nhiệm bà Hải sẽ được bầu khi Quốc hội họp trực tiếp.
Với cử tri, có một “khoảng trống” ở kỳ họp này, đó là sự thiếu vắng 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn trực tiếp như thông lệ. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội vẫn thực hiện quyền chất vấn qua hình thức gửi văn bản.
Không đăng đàn trực tiếp, nhưng kết quả thực hiện các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội đã được nhiều thành viên Chính phủ gửi tới các vị đại biểu trước thềm Kỳ họp thứ 9. Chính phủ cũng đã có báo cáo tổng hợp thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn (dài 173 trang), nêu kết quả nổi bật ở nhiều lĩnh vực, gắn với yêu cầu của Quốc hội sau giám sát và chất vấn.
Theo đó, với yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, Chính phủ đánh giá, khung chính sách quản lý đầu tư công được cải thiện, nổi bật với việc ban hành Luật Đầu tư công năm 2019 thay thế Luật Đầu tư công năm 2014. Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được nâng cao; tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản đã giảm. Hiệu quả đầu từ công có bước cải thiện. Công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công được tăng cường. Các quy định về công khai, minh bạch và giám sát đầu tư cộng đồng giúp người dân có thể phát huy quyền giám sát trong các hoạt động đầu tư công. Các dự án quan trọng quốc gia được tập trung tháo gỡ vướng mắc khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Kết quả đáng chú ý khác là, cơ cấu lại ngân sách nhà nước đã đạt được những thay đổi tích cực về quy mô và cơ cấu thu, chi ngân sách, như tăng tỷ trọng thu nội địa, giảm tỷ trọng chi thường xuyên và tăng tỷ trọng chi đầu tư. Kỷ luật ngân sách được tăng cường, bội chi ngân sách và tỷ lệ nợ công trên GDP giảm dần qua các năm.
Không chất vấn trực tiếp là chia sẻ với Chính phủ
- Bà Trần Thị Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật
Việc không tiến hành các phiên chất vấn trực tiếp trong kỳ này là quyết định định rất linh hoạt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dù không chất vấn trực tiếp, nhưng đại biểu Quốc hội vẫn chất vấn qua văn bản. Điều đó vẫn đảm bảo quyền của đại biểu và qua các phiên thảo luận hay giám sát, đại biểu có thể nêu ý kiến của mình trước các vấn đề cử tri bức xúc. Chất vấn trực tiếp thì có sự lan tỏa lớn hơn, còn chất vấn bằng văn bản thì có phần hạn chế hơn, nhưng không ảnh hưởng đến quyền của đại biểu.
Tất nhiên, ở mỗi kỳ họp Quốc hội, thu hút cử tri đông nhất vẫn là chất vấn trực tiếp, nhưng nên chia sẻ với Chính phủ. Vừa rồi, Chính phủ phải tập trung giải quyết những vấn đề rất lớn như chống dịch Covid-19, lo an sinh, xã hội, lo phát triển kinh tế hậu Covid-19..., nên rất cần được chia sẻ.
Chỉ đầu tư công một số đoạn cao tốc Bắc - Nam
- Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế
Qua phân tích và xem xét các yếu tố, thì đầu tư công hay đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đều có khó khăn riêng.
Vì thế, cần thực hiện theo Nghị quyết số 52 của Quốc hội. Đó là, nếu dự án nào không có nhà đầu tư, thì mới chuyển đổi sang đầu tư công. Mà trong 8 dự án PPP tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện nay chỉ có 1 dự án không chọn được nhà đầu tư qua sơ tuyển; các dự án còn lại đều có 2 nhà đầu tư trở lên.
Vì thế, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo thêm và làm rõ hơn sự cần thiết phải chuyển đổi, nếu thực sự cần thiết, thì chỉ chuyển một số đoạn, chứ không phải chuyển toàn bộ 8 dự án như đã đề xuất.