Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 28/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia là việc hết sức cấp thiết, là nội dung quan trọng nhất của kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội, nếu có.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. |
Ông Vương Đình Huệ cho biết, mới đây, Chính phủ đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét cho ý kiến sớm 7 nội dung, trong đó có Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Đây là quy hoạch gốc quyết định các quy hoạch khác, đã được hội nghị Trung ương lần thứ 6 cho ý kiến, vẫn cần có thời gian chuẩn bị. Nhưng nếu đến tận kỳ họp tháng 5 của Quốc hội mới phê duyệt thì quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sẽ có khó khăn. Vì vậy, cho ý kiến để phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia là hế sức cấp thiết, là nội dung quan trọng nhất phải giải quyết sớm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nội dung thứ hai là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đã được thảo luận qua hai kỳ họp Quốc hội, chất lượng khá đảm bảo rồi, nhưng vẫn cần hoàn thiện thêm, nhất là về cơ chế tài chính.
Song, nếu để đến kỳ họp thứ 5 mới thông qua thì thời gian còn lại để ban hành các văn bản hướng dẫn rất hạn hẹp, vì mục tiêu đến 1/1/2024 luật này có hiệu lực.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, còn có tổng kết đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về cơ chế đặc thù chống dịch, những cơ chế này hết năm 2022 là hết hiệu lực.
Qua đó, có chính sách gì hỗ trợ ngành y thì Chính phủ sẽ đề xuất, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Liên quan đến kỳ họp bất thường, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Chính phủ còn đề nghị xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách (gồm: giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan năm 2021; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; điều chỉnh vốn vay lại của các địa phương năm 2022).
Chính phủ cũng đề xuất cho ý kiến về 3 dự án: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Đối với nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM): Chính phủ đề nghị chưa đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2 do chưa chuẩn bị kịp và chưa có kết luận của Bộ Chính trị, ông Cường cho biết.
Về các đề xuất nêu trên, Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo, đối với nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT: Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bằng văn bản về nội dung này và cho rằng đề xuất của Chính phủ chưa có đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý hỗ trợ/thanh toán các hợp đồng dự án giao thông BOT, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.
Đối với 3 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân: Hiện nay, Chính phủ chưa có đề nghị bổ sung 3 dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023, do đó, đề nghị Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo dự kiến, tại phiên họp tháng 11 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường. Các nội dung còn lại sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tháng 12/2022; tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Văn phòng Quốc hội chưa nhận được hồ sơ của các nội dung này. Do đó, sau khi có đủ hồ sơ tài liệu bảo đảm chất lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các nội dung cũng như việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 và quyết định triệu tập kỳ họp, ông Cường nói.