Tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng từ 1/7/2020
Chiều 12/11 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 với 93,37% đại biểu tán thành.
Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512.300 tỷ đồng, tổng chi là 1.747.100 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 234.800 tỷ đồng, tương đương 3,44% GDP.
Quốc hội cũng đồng ý tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 488.921,352 tỷ đồng trong năm sau.
Với Nghị quyết này, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020.
Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 được thông qua với tỷ lệ 93,37% |
Tiết kiệm triệt để chi thường xuyên
Quốc hội giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.
Đặc biệt, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; chống lãng phí; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.
Kinh tế tăng trưởng nhưng tỷ lệ huy động thuế, phí ngày càng giảm
Báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến đại biểu cho rằng, tỷ lệ huy động thuế, phí/GDP ngày càng giảm xuống, năm 2020 dự kiến 19,4%, kinh tế thì tăng trưởng nhưng huy động vào ngân sách giảm là chưa hợp lý.
Giải trình nội dung này, ông Hải cho biết, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đang có xu hướng giảm (dự kiến năm 2019 là 20,2%GDP, năm 2020 là 19,4%GDP, trong khi các năm trước là trên 21%GDP).
Nguyên nhân chủ yếu được ông Nguyễn Đức Hải chỉ ra là do đóng góp từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm nhanh do cắt giảm thuế để hội nhập, cùng với việc triển khai các giải pháp điều chỉnh chính sách thu gặp nhiều khó khăn và chậm so với lộ trình. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của một số ngành, lĩnh vực khó đạt mức tăng trưởng cao. Từ đó đã ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động thuế, phí/GDP.
Ông Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh chính sách thu phù hợp, mở rộng cơ sở thu, chống thất thu, chống giảm nguồn thu nội địa, phấn đấu tăng tỷ lệ động viên qua thuế, phí từ GDP vào ngân sách nhà nước.