Một phiên họp toàn thể của Quốc hội. |
Giám sát tối cao và tiến hành hoạt động chất vấn là hai nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự tuần này của Quốc hội.
Cả ngày 31/10, ngày làm việc đầu tiên trong tuần, Quốc hội sẽ giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Đây là cuộc giám sát có quy mô rộng, kết quả giám sát được phản ánh tại bộ tài liệu 1.685 trang.
Bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo chỉ ra nhiều hạn chế. Như, kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm chưa nghiêm. Giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm, nhiều lần trong năm. Công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án còn nhiều tồn tại, bất cập.
Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ. Hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư. Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí.
Cơ bản các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất chậm tiến độ nhiều năm,... rủi ro có thể gây thất thoát, lãng phí rất lớn và ảnh hưởng đến cân đối năng lượng nếu không có giải pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm.
Nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng (Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí; TP.HCM cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở, 1.274 căn hộ và 1.303 nền đất dùng làm quỹ dự phòng, có gần 5.000 căn hộ và nền đất đang làm thủ tục bán đấu giá)...
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 61/63 tỉnh, thành, tính đến ngày 31/12/2021, có 908 dự án có khó khăn, vướng mắc với diện tích là 28.155 ha chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng, nhưng mới xử lý thu hồi đất và chấm dứt hoạt động 172 dự án với diện tích là 6.922 ha; chưa xử lý 404 dự án với diện tích là 18.308 ha...
Sau giám sát, các ngày 1 - 2 và sáng 3/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Được thảo luận ở hội trường gồm dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Từ chiều 3/11 đến hết ngày 5/11 Quốc hội tiến hành chất vấn 5 thành viên Chính phủ gồm Bộ trưởng các Bộ Xây dựng, Thông tin và truyền thông, Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ.
Sau đó, từ 15h10 đến 16h50 (trừ 20 phút giải lao) chiều 5/11 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Nằm trong nhóm vấn đề được Quốc hội quyết định chất vấn ở kỳ họp này có việc quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.
Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.
Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…). Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học.
Nội dung chất vấn còn có nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong Nhân dân....
Không có nhóm vấn đề được ấn định trước, Thủ tướng sẽ trả lời tất cả các vấn đề đại biểu quan tâm chất vấn. Tuy nhiên, thời gian dành cho người đứng đầu Chính phủ không nhiều như các thành viên khác, nên thường có nhiều chất vấn Thủ tướng sẽ trả lời sau bằng văn bản.