Thời sự
Quốc hội họp bất thường, quyết định gói chính sách trên 300.000 tỷ đồng
Nguyễn Lê - 04/01/2022 07:09
Quốc hội bận rộn ngay từ ngày đầu năm 2022, bởi cuộc sống đang chờ những quyết sách lớn từ nghị trường, cho nền kinh tế có thêm điểm tựa để phục hồi và phát triển.
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khoá XV.

Sáng nay (4/1) ngày đi làm đầu tiên của năm mới 2022, Quốc hội khoá XV khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo chương trình phiên khai mạc, sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cả 4 nội dung của kỳ họp đều được trình Quốc hội trong buổi sáng.

Đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo nói trên.

Thứ hai, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này.

Tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Báo cáo thẩm tra dự án luật được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày liền đó.

Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Báo cáo thẩm tra nội dung này sẽ do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cả 4 nội dung trên, theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đều hết sức cấp bách, để chậm 1 ngày đã khác nên không thể chờ đến khi Quốc hội họp kỳ thứ ba theo thông lệ.

Tuy thế, để đủ điều kiện trình ra Quốc hội hôm nay, cả bốn nội dung đều khá chật vật đi qua các vòng thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, không chỉ môt lần.

Riêng về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vào ngày cuối cùng của năm 2021, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần thứ hai để kịp trình Quốc hội.

Hồ sơ về nội dung này, vì thế cũng đến tay các vị đại biểu Quốc hội chậm nhất.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội từng lưu ý, nội dung của cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lần này nằm ngoài khung khổ của các khung kế hoạch 5 năm (2021-2025) đã được Quốc hội thông qua. Như, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước trung hạn, Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch vay và trả nợ công trung hạn… Và đây là vấn đề hết sức hệ trọng, cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Theo Tờ trình của Chính phủ sẽ trình Quốc hội, tổng quy mô hỗ trợ của Chương trình gồm hỗ trợ tài khóa 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng.

Một số giải pháp hỗ trợ khác cũng được dự kiến triển khai, như hỗ trợ qua chính sách tiền tệ (giải pháp giảm lãi suất cho vay, gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội…) và các chính sách khác như giảm tiền điện, nước, cước viễn thông.

Cả 4 nội dung của kỳ họp, sau khi được thảo luận tại tổ đều tiếp tục được thảo luận tại hội trường và thông qua vào phiên bế mạc kỳ họp, dự kiến vào chiều 11/1.

Tin liên quan
Tin khác