Một phiên họp của Quốc hội Khoá XV. |
Sáng nay (20/10), như thường lệ, Quốc hội khai mạc kỳ họp cuối năm, làm nhân sự, bàn và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cho năm sau, sửa Luật Đất đai và cho ý kiến nhiều vấn đề khác.
Năm 2022 đã đi qua gần 10 tháng, Quốc hội phần nào yên tâm khi kinh tế phục hồi, 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt mức Quốc hội đã quyết định với GDP dự ước tăng 8%.
Nhưng, chắc hẳn, các vị đại biểu của dân cũng kém vui khi ngay những ngày đầu tiên của kỳ họp, dù không phải đầu nhiệm kỳ, cũng vẫn phải tiến hành kiện toàn nhân sự, mà một trong những lý do phải kiện toàn là bởi có người do chính Quốc hội phê chuẩn đầu nhiệm kỳ, đã bị khởi tố.
Người đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong báo cáo thẩm tra công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 cũng đã nhắc đến, là ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.
Ghế Bộ trưởng Y tế không thể trống quá lâu, Quốc hội cần phê chuẩn người mới.
Một vị trí nữa cũng cần được Quốc hội phê chuẩn, là người kế nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể. Bởi ông Thể được miễn nhiệm "theo nguyện vọng cá nhân, phân công của cấp có thẩm quyền".
Nhân sự thứ ba được bầu là Tổng Kiếm toán nhà nước. Nhân sự đã rõ ràng song quy trình miễn nhiệm, bầu người thay thế vẫn phải diễn ra đúng quy định.
Theo chương trình dự kiến, công tác nhân sự được gói gọn trong hai ngày 20 và 21/10, để các vị mới được bầu và phê chuẩn có thể chính danh thực hiện nhiệm vụ của mình tại kỳ họp.
Tuần đầu tiên, Quốc hội cũng bắt đầu thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Cả báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đều đã gửi đến tay đại biểu trước thềm khai mạc kỳ họp, riêng báo báo cáo của Chính phủ được gửi trước 1 tuần, khá sớm so với các kỳ họp trước.
Kỳ họp cuối năm, bên cạnh đánh giá tình hình 2022, Quốc hội sẽ phải "soi" cả các chỉ tiêu và giải pháp thực hiện được dự kiến trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, để cân đối nguồn lực, để bổ sung giải pháp, tăng cường trách nhiệm giám sát.
Bố trí thảo luận cùng 1 phiên với kinh tế, xã hội là các báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
Những chỉ tiêu kinh tế chủ yếu, những cân đối lớn cũng đều đã được dự kiến. Theo đó, tốc độ tăng GDP năm 2023 khoảng 6,5%, quy mô GDP đạt khoảng 10,30 - 10,41 triệu tỷ đồng. Dự toán thu NSNN đạt 1.612,96 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP, riêng huy động từ thuế và phí đạt 13,3% GDP.
Dự toán chi NSNN đạt 2.073,46 nghìn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 33,6%. Bội chi NSNN 460,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 4,47% GDP, tăng khoảng 87,6 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2022.
Nợ công, theo báo cáo mới nhất Chính phủ gửi tới Quốc hội, vẫn tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội quyết định. Điều này cũng tạo thêm dư địa để Quốc hội đưa ra những quyết sách ứng phó với những rủi ro vĩ mô được nhận định là rất khó đoán định.
Ngoài những vấn đề về kinh tế, xã hội, giám sát tối cao (chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí), Quốc hội dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp với 14 dự án luật, trong đó giữ vị trí đặc biệt quan trọng là dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại cuộc họp họp báo trước thềm kỳ họp thứ tư này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật) Nguyễn Minh Sơn cho biết, dự luật Đất đai sửa đổi được chuẩn bị từ sớm, kỹ lưỡng, thận trọng. Quá trình triển khai, Chủ tịch Quốc hội không dưới 3 lần làm việc trực tiếp về các nội dung của dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân và sẽ được triển khai vào tháng 1/2023. Hiện cơ quan chủ trì thẩm tra đã nhận được nhiều các ý kiến từ các bên về dự án luật này, ông Sơn cho biết.
Tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản ánh, cử tri và Nhân dân kỳ vọng rất lớn vào việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc hiện nay.
Theo dự kiến, kỳ họp thứ tư sẽ khai mạc ngày 20/10 và bế mạc ngày 15/11/2022.
Cử tri còn nhiều lo lắng về giáo dục
Trước thềm kỳ họp, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, hiện nay thực hiện cải cách giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng như sách giáo khoa để cho học sinh lớp 10 chọn tổ hợp các môn, chương trình giáo dục theo sách giáo khoa mới chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dạy, người học và phụ huynh vì các môn học riêng biệt được tích hợp từ nhiều môn học thành môn khoa học tự nhiên, môn khoa học xã hội, môn nghệ thuật. Trong đó, mỗi phân môn gồm một số chương thể hiện sự sắp xếp chương trình gò ép dẫn đến bố trí giáo viên giảng dạy môn học rất khó khăn và thiếu sự thống nhất giữa các trường.
Cạnh đó, việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong các trường phổ thông trong toàn quốc tạo nên “cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách”, sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách gây khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận với kiến thức. Nhân dân còn lo lắng về thông tin tăng học phí của các cấp học, các khoản phụ phí, các khoản đóng góp xã hội hóa đầu năm của hội phụ huynh trong các nhà trường, nhất là những người lao động, người làm công ăn lương gặp rất nhiều khó khăn.