Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khoá XV. |
Theo chương trình đã được quyết định tại phiên họp trù bị chiều ngày 4/1, ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).
Tờ trình của Chính phủ cho biết, quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam đã nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc và Malaysia để xác định không gian phát triển đất nước gắn với hình thành các trục, hành lang phát triển, phân vùng kinh tế và định hướng bố trí không gian các ngành, lĩnh vực.
Quy hoạch cũng nêu rõ, không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét, hồ sơ Quy hoạch đã được xây dựng công phu, nghiêm túc với khối lượng thông tin phong phú, đa dạng và phức tạp, theo đó đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục các tài liệu chủ yếu theo quy định tại Điều 35 của Luật Quy hoạch.
Nội dung báo cáo tổng hợp quy hoạch cơ bản đã đánh giá được các đặc điểm điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để đề xuất các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước thời kỳ 2021 - 2030.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần bổ sung thêm các phân tích, đánh giá rõ về ưu điểm, lợi thế của các điều kiện làm cơ sở xây dựng phương án quy hoạch. Đồng thời, các yếu tố khoa học công nghệ, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh, thể chế quốc gia, văn hóa truyền thống dân tộc, dân số và xu hướng dịch chuyển dân cư… cũng cần được phân tích, nhìn nhận một cách đầy đủ.
Ngoài ra, các dữ liệu đánh giá ở một số lĩnh vực còn thiếu chi tiết, dẫn đến sự không đồng nhất về dữ liệu các vùng, lĩnh vực và đối tượng nên cần có sự chọn lọc mức độ chi tiết của dữ liệu, phân tích tương quan cơ cấu các ngành để đưa ra những chỉ tiêu phân bổ kế hoạch được chính xác hơn so với thực tiễn. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung, làm rõ hơn nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế để bảo đảm các giải pháp đề xuất là phù hợp, khả thi, cơ quan thẩm tra nhận xét.
Về mục tiêu phát triển đến năm 2030, Ủy ban Kinh tế nhận thấy báo cáo quy hoạch đã có sự phân loại một số mục tiêu cụ thể, trong đó nội dung mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu tổng quát cũng như các mục tiêu về kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, mục tiêu cho việc phát triển kết cấu hạ tầng mới tập trung chủ yếu cho hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ, trong khi một số ngành khác có vai trò quan trọng nhưng còn khá chung chung như: hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi,… Có ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, bổ sung định hướng phân bố và tổ chức không gian cho khu vực tư nhân trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Trong phiên khai mạc, tiếp theo nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và Tờ trình đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra các nội dung này.
Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra các nội dung trên.
Ngoại trừ nhân sự, đây cũng là toàn bộ các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định ở kỳ họp bất thường lần thứ hai này.
Theo Chương trình, từ 11h sáng 5/11 Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự.
Liên quan đến công tác nhân sự, Trung ương vừa qua đã quyết định cho các Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng và giới thiệu nhân sự thay thế chức vụ Phó thủ tướng.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đã cho ý kiến về hai nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khóa XV phê chuẩn chức danh Phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026.
Hồi âm sự quan tâm của báo chí về công tác nhân sự tại kỳ họp này trong cuộc họp báo trước thềm kỳ họp, Trưởng ban Công tác đại biểu (thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Thị Thanh cho biết Quốc hội sẽ quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu; phê chuẩn miễn nhiệm đề nghị của Thủ tướng đối với một số nhân sự và phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm nhân sự mới.