Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khoá XV. |
Khai mạc sáng nay (23/5/), trong 19 ngày làm việc, kỳ họp thứ ba của Quốc hội khoá XV sẽ đặt lên bàn nghị sự nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có 5 dự án quan trọng quốc gia.
Kỳ này, Quốc hội trở lại hình thức họp truyền thống, trực tiếp tại Hà Nội, do diễn biến dịch Covid - 19 đã bớt căng. Nhưng, phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch vẫn là trung tâm của nhiều vấn đề trong chương trình kỳ họp.
Ngay tại phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3. Theo báo cáo, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự quan tâm và lo lắng về những thách thức lớn hậu Covid-19. Đó là, sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn. Nợ xấu có xu hướng tăng; áp lực lạm phát gia tăng, nhất là do giá đầu vào tăng như: xăng, dầu, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu, vật tư nông nghiệp... Việc thực hiện một số nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt kết quả như mong muốn.
Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro, xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng có thể dẫn tới lũng đoạn thị trường cần được các cơ quan chức năng tập trung xử lý. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khó khăn cũng khiến cử tri lo lắng.
Cũng trong phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe lãnh đạo Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Trước thềm phiên khai mạc, nội dung này đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Theo đánh giá của Chính phủ, nền kinh tế bước đầu có sự phục hồi tích cực, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định vĩ mô, các cân đối lớn, nhất là về điện, xăng dầu; nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm nắng nóng.
Áp lực lạm phát tăng cao trong năm khi nhu cầu trong nước phục hồi, thực hiện lộ trình tăng lương từ ngày 01/07, cộng hưởng với sự gia tăng giá cả nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải, logistics, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc… Tình hình thiên tai, bão lũ dự báo có thể diễn biến phức tạp, cực đoan, trái quy luật. Qua đó, tác động đến đời sống người dân, người nghèo, người có thu nhập thấp; làm giảm sức phục hồi của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ đã ban hành.
Trong tháng 4, nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)… đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam.
Cụ thể, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khoảng 5,3% trong năm 2022 ở kịch bản cơ sở (và 4% trong kịch bản xấu hơn), giảm 0,2 điểm % so với hồi đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức 6,5% được đưa ra tháng 10/2021. ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,5% trong năm 2022; Ngân hàng HSBC cũng đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam xuống 6,2% (so với mức dự báo trước đây là 6,5%).
Trong khi đó, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng của năm nay, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, theo nhận xét của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội là triển khai chậm.
Đến nay, Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349 tỷ đồng cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần được phân bổ, bổ sung dự toán, dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023.
Đồng thời, Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình vẫn chưa hoàn thiện trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo Uỷ ban kinh tế là quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của Chương trình.
Bên cạnh đó, 3 Chương trình mục tiêu quốc được người dân rất mong đợi vì chỉ còn hơn 3 năm nữa là hết hiệu lực của quyết định đầu tư mà hiện nay chưa hoàn thành các thủ tục để giải ngân.
Những chậm trễ đó, cùng với tiến độ giải ngân đầu tư công nói chung còn đang thấp hơn cả cùng kỳ năm trước, khiến cho bài toán cân đối nguồn lực của đất nước cho 5 dự án quan trọng quốc gia, cho giai đoạn tiếp theo của đường Hồ Chí Minh.... đã khó lại càng thêm khó. Nhất là vốn cho Chương trình phục hồi chỉ được giải ngân trong hai năm 2022- 2023.
Rồi những sai phạm trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... thời gian qua cũng khiến cử tri lo lắng. Sát ngày khai mạc kỳ họp, cơ quan chức năng đã bổ sung thông tin làm rõ hơn tình hình, nhưng làm rõ trách nhiệm, có các giải pháp phù hợp vẫn là đòi hỏi từ cơ quan đại diện cho nhân dân.
Và sửa đổi, bổ sung những quy định bất cập nhằm tạo khung thể chế hiệu lực, hiệu quả để phát triển bền vững thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung vẫn là bài toán cần lời giải cho sự ổn định lâu dài hơn.
Bên cạnh những "bài toán" cần lời giải tức thì, Quốc hội cũng sẽ góp phần đi tìm giải pháp khả thi hơn cho bài toán rất rất khó về quy hoạch, qua giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Thông qua công tác lập pháp (thông qua dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác), kỳ họp thứ ba cũng sẽ tiếp tục tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về thể chế đã và đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực.
Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Một số phòng họp tại Nhà Quốc hội sáng đèn cả ngày Chủ nhật (22/5). Thông tin bổ sung theo yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội liên tục được cập nhật đến các vị đại biểu Quốc hội. Và những nút bấm biểu quyết ở Phòng họp Diên Hồng (nơi diễn ra các phiên toàn thể của Quốc hội) đang chờ những quyết định có trách nhiệm với đất nước, với Nhân dân.
Nghe báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí
Một điểm mới ở kỳ họp này là ngay ngày làm việc đầu tiên Quốc hội đã nghe báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và báo cáo thẩm tra nội dung này. Tại báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh rằng tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Điển hình sai phạm trong quản lý lĩnh vực này là vụ án tại Công ty Việt Á gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân. Uỷ ban đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân từ những bất cập của hệ thống văn bản pháp luật trong quản lý khoa học, đấu thầu, mua sắm tài sản công, mua sắm trang thiết bị, vắc-xin, thuốc, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.